Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trần Văn Phác - vị tướng, bộ trưởng và nhà văn…

04/09/2012 | 15:32

Thủa xa, vào những năm còn thiếu niên thế hệ chúng tôi đã biết đến ông qua cái tên nhà văn Trần Hương Nam với tác phẩm Không còn con đường nào khác rất nổi tiếng viết về cuộc đời chiến đấu, hi sinh của nữ tướng Nguyễn Thị Định và đồng bào chiến sĩ Nam Bộ với sự kiện đồng khởi Bến Tre năm 1959 mà đâu biết đó là bút danh của tướng Văn Phác thời hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Cho đến khi ông về làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, người đời chỉ biết nhiều đến ông là một vị tướng chứ mấy người biết ông từng là nhà báo, nhà văn...


Thật đúng như vậy, bởi cả cuộc đời sôi nổi oanh liệt của mình, ông là một người lính đúng nghĩa, người cầm súng nhiều hơn cầm bút kể từ những ngày trước cách mạng Tháng Tám cho đến khi giã từ công việc về với đời thường. Và đến một ngày giữa năm 2007, trong lễ ra mắt Tuyển tập Văn Phác, tôi hết sức bất ngờ và cảm động biết rằng tác giả Trần Hương Nam chính là… Bộ trưởng Văn Phác. Khi nghe tôi kể từng rất muốn được gặp tác giả cuốn sách về bà Ba Định, ông ôm vai tôi ân cần bảo: “Trần Hương Nam đây rồi. Thỏa chưa?”. Rồi ông cẩn thận ký tặng tôi cuốn sách như món quà tặng một độc giả mến mộ mình từ lâu…

Một đời ra trận

Ông rất giản dị khiêm nhường so với dằng dặc năm tháng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Phẩm chất ấy chỉ có ở người lính. Bây giờ khi tôi ngồi viết những dòng này về ông, cũng mấy người biết rằng những ngày mùa Thu của 67 năm về trước, tháng Tám năm 1945 ông đã là chỉ huy cuộc đánh chiếm huyện lỵ Yên Mỹ - Hưng Yên, cùng đồng bào khởi nghĩa giành chính quyền rồi kéo lên Hà Nội tham gia cướp chính quyền và trực tiếp có mặt bảo vệ ngày Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khi mới 19 tuổi.

Trong đội Giải phóng quân của tướng Vương Thừa Vũ lúc ấy, Trần Văn Phác bắt đầu cuộc đời người chiến sĩ đầy vẻ vang dẫu ngàn gian khổ... Chính trị viên đại đội Văn Phác có năng khiếu văn chương nên sau đó được điều sang làm báo Khu Hai kháng chiến, rồi về tờ Liên khu Ba làm việc nới những tên tuổi: Quang Dũng, Đoàn Văn Cừ, Yên Thao, Huyền Kiêu... Năm 1947, Văn Phác được giao phụ trách Phòng Chính trị của Mặt trận Tây tiến bên cạnh tướng Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai...

Sau khóa học trường Nguyễn Ái Quốc đầu tiên năm 1949 tại Việt Bắc do đồng chí Trường Chinh phụ trách, Hồ Chủ tịch và các nhà lãnh đạo của Đảng trực tiếp giảng dạy, Văn Phác trở về Bộ Quốc phòng và được điều về làm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Sông Lô, tham gia chiến dịch giải phóng Cao - Bắc - Lạng, một chiến dịch lớn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Văn Phác có mặt trong đội hình sư đoàn 312 trực tiếp chiến đấu làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, người sĩ quan trẻ Văn Phác cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô. Năm 1957, quân đội lại điều Văn Phác về làm Chủ nhiệm (Tổng Biên tập) tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó, ông sang làm Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân...

Vẫn tưởng đời cầm súng đến lúc này đã có thể chấm dứt để có điều kiện chuyên tâm cho sự nghiệp văn chương báo chí, nhưng hình như có một sứ mệnh khác đang chờ anh ở phía trước, nơi tiền tuyến lớn miền Nam. Năm 1964 nhận nhiệm vụ đặc biệt đột xuất, Văn Phác lên đoàn tàu Không Số rời bến Vạn Hoa tại Đồ Sơn, Hải Phòng để vào Nam chiến đấu. Tàu cập bến Cổ Chiên, một địa điểm thuộc tỉnh Trà Vinh và tại đây Văn Phác mang tên mới: Tám Trần.

Từ đấy cái tên Tám Trần gần gũi, thân mật với đồng bào đồng chí Nam Bộ, khi anh cùng vào sinh ra tử 10 năm giữa chiến trường vô vàn gian khổ ác liệt. Từ đây Tám Trần không chỉ là nhân chứng với tư cách nhà văn, mà với tư cách là Chánh Văn phòng quân ủy miền, Bí thư riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, rồi Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân Giải phóng, anh còn trực tiếp góp sức mình vào sự lớn mạnh của Quân Giải phóng miền Nam...

Cuộc đời chiến đấu của tướng Văn Phác vinh dự gắn với những sự kiện, những nhân vật đặc biệt của đất nước một thời. Mang nỗi đau mất đi vị tướng tài ba đức độ, một người anh lớn: Nguyễn Chí Thanh, Tám Trần trở lại mặt trận góp sức cho ngày đại thắng...

Sau Hiệp định Paris, Văn Phác có mặt trong Ban Chỉ huy miền gồm đồng chí: Phạm Hùng (Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân uỷ miền, Chính uỷ); Trần Độ và Lê Văn Tưởng (Phó Chính uỷ); đồng chí Hoàng Văn Thái (Tư lệnh), Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Hữu Xuyến và Hoàng Cầm (Phó Tư lệnh); Nguyễn Minh Châu (Tham mưu trưởng); Trần Văn Phác (Chủ nhiệm Chính trị)...

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975 lịch sử, Văn Phác là Chính ủy sư đoàn 232 có mặt trong cánh quân vào giải phóng Sài Gòn làm nên Đại thắng mùa Xuân... Đất nước hòa bình thống nhất, Tám Trần được phong hàm cấp tướng và giữ trọng trách Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN. Gắn bó gần 40 năm với đời lính, ông hiểu về bi kịch của chiến tranh và niềm hạnh phúc của hòa bình. Còn nhớ trong bút ký Một mùa xuân rực rỡ, ông đã dành những dòng cuối cùng cho... nước mắt: “Thì ra chị mong quá mà khóc đấy thôi. Nước mắt của chị làm tôi bỗng chạnh lòng. Nước mắt làm nhẹ những buồn đau mất mát trong chiến tranh”. Và ông nhớ đến người đồng đội lớn, người “quân nhân vĩ đại” Nguyễn Chí Thanh. Tôi nhớ nhất với anh, là tình cảm anh dành cho người thủ trưởng của mình - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - khi đại tướng mất: “Thế mà đến nay, nhân dân ta đã đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, tới ngày anh có thể đi thăm khắp miền Nam yêu quý thì anh không còn nữa... Nước mắt tôi bỗng trào ra không thể kìm lại được”.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và nguyên Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, thiếu tướng
Trần Văn Phác tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo và các nguyên lãnh đạo
ngành văn hóa, thể thao và du lịch (Hà Nội ngày 29.1.2008)


Và ông Bộ trưởng Văn Hóa thời đất nước bước vào đổi mới

Rồi Đảng cần, ông chuyển sang làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn Hóa từ năm 1987 đến năm 1990... Là người nhiều năm làm chính trị, tư tưởng, và văn hóa trong quân đội, Bộ trưởng Trần Văn Phác đã có những tư duy đổi mới trong quản lý văn hóa nghệ thuật. Cuộc sống giản dị, chân thành quý mến nghệ sĩ của ông luôn gây ấn tượng ấm áp nơi những người đồng sự. Trong di cảo của ông, còn có những bức thư cảm động của văn nghệ sĩ thể hiện tấm lòng của họ đối với người lãnh đạo ngành tâm huyết và đức độ...

Với người Bộ trưởng tiền nhiệm của mình là giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Trần Văn Phác đã có những nghĩa cử thân tình, trìu mến hiếm thấy. Ông kể lại: “Hai chúng tôi vui mừng vì cùng được làm việc chung một nơi. Anh là Bộ trưởng và tôi là Thứ trưởng Bộ Văn Hóa. Cả anh và tôi đều cùng chung tâm huyết xây dựng nền văn hóa dân tộc và đời sống văn hóa ở cơ sở... Tôi cảm phục tấm lòng cao cả của anh. Thật hiếm có một sự đối xử với người đồng sự, người bạn chiến đấu của mình thủy chung trong sáng như vậy...”. Có lẽ thế mà sau khi thôi Bộ trưởng, bàn giao trọng trách quản lý văn hóa cho người kế nhiệm, Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu lại đi làm cố vấn cho Bộ trưởng mới là Trần Văn Phác về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Ông Phạm Việt Long, nguyên là Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin, Trưởng phòng Tổng hợp dưới thời Bộ trưởng Trần Văn Phác kể: Thời Bộ trưởng Văn Phác có những việc lớn đáng ghi nhận là Phục hồi lễ hội văn hóa, đồng thời nâng tầm việc công nhận di tích LSVH với tấm Bằng công nhận di tích in đẹp trên giấy tốt khổ lớn có hoa văn tựa như sắc phong thủa trước. Có cảm giác di sản được trân trọng hơn, quản lý bài bản hơn... Rồi thì tiếp nối phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có từ thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu... Đặc biệt, thời kỳ này thị trường rộ lên “bão video đen” thành hội chứng xã hội khiến Bộ trưởng phải đối mặt với hiện tượng văn hóa này và từng phải trả lời chất vấn trước Quốc hội...”. Thời kỳ này ông viết khá nhiều sách lý luận, đặc biệt cuốn Mấy vấn đề cấp bách về văn hóa nghệ thuật và Sự nghiệp văn hóa trong chặng đường trước mắt được đánh giá cao, có giá trị lý luận và thực tiễn mà cho đến nay đọc lại vẫn còn những luận điểm đầy tính thời sự...

Tôi ấn tượng với ông khi trong lời ai điếu dành cho Tạ Đình Đề. Ban tổ chức tang lễ tiễn đưa Tạ Đình Đề hôm đó là Tổng cục Đường sắt, nhưng người đọc điếu văn lại là Thiếu tướng Văn Phác. Bài điếu văn của Thiếu tướng Văn Phác, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn Hoá, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội tiễn Tạ Đình Đề về nơi an nghỉ cuối cùng đầy đặn và cảm động. Khó có lời nào nói về Tạ Đình Đề hay hơn: “... Anh Tạ Đình Đề ơi! Xin anh hãy yên nghỉ cùng với những chuyện như huyền thoại đẹp về anh...”. Trộm nghĩ đó cũng là nghĩa cử đáng trân trọng chỉ có ở những người hiểu thấu việc đời, lẽ đời...


Tuyển tập Văn Phác (2007)

Và một Nhà văn

Cho đến bây giờ, người thân và bạn bè tướng Văn Phác vẫn có mong muốn tìm lại được cuốn Trong khói lửa ông viết thời kháng chiến chống Pháp in năm 1947 do nhà văn Nguyễn Công Hoan viết tựa, nhưng vì lý do kháng chiến ly loạn nên hiện không còn giữ được một cuốn nào tác phẩm ấy. Tác phẩm của nhà văn Văn Phác không nhiều, thường ông viết ký sự gắn với đời sống chiến đấu mang hơi thở thực sự của đời sống, vì vậy mà lôi cuốn người đọc. Đặc biệt nhất phải kể đến cuốn Không còn con đường nào khác. Đó là cuốn sách viết về anh hùng nữ tướng Nguyễn Thị Định được chính Văn Phác chấp bút trong hai tháng ròng dưới tầm mưa bom bão đạn chiến trường.

Cuốn sách như một sự “đặt hàng” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về phong trào đồng khởi Bến Tre và những con người chiến đấu hi sinh anh dũng nhằm động viên đồng bào, chiến sĩ hăng hái tham gia đánh giặc giải phóng quê hương. Cuốn sách cảm động chân thực và có chất văn học khiến nhân vật chính là bà Ba Định xúc động khi được người nữ thư ký đọc cho nghe: “Anh viết thế nào mà nhiều đoạn nghe em đọc cô Ba khóc quá trời”... Điều tuyệt vời là cả nhân vật và tác giả cuốn sách tức bà Nguyễn Thị Định và nhà văn Trần Hương Nam tức tướng Trần Văn Phác sau đó đều là những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Họ ấp ủ dự định cùng nhau viết tiếp cuộc đời bà Ba Định và cuộc chiến đấu của đồng bào, đồng chí Nam Bộ trong tập hai cuốn sách nhưng rồi công việc đã cuốn họ đi cho đến khi nhân vật chính, bà Nguyễn Thị Định ra đi, để lại nỗi ân hận, luyến tiếc cho nhà văn, lúc về già...

Ông còn có hàng chục năm là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, và Chủ tịch Hội CCB Hà Nội... Lắm lúc ngắm nhìn ông, tôi không hiểu nổi một điều rằng cái con người có vóc dáng nhỏ bé ấy lại có một sức lực phi thường như vậy, để nhập cuộc từ lúc thanh niên cho tới phút cuối cùng cuộc đời. Chỉ có thể lý giải điều đó, rằng phải bằng trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết với Tổ quốc và nhân dân, con người sẽ vượt qua tất cả để dâng hiến...

Bây giờ thì ông đã lên đường về cõi vĩnh hằng, nhưng tin rằng con người mang vóc hình bé nhỏ mà có một cuộc đời cống hiến tận cùng ấy mãi sống cùng đất nước quê hương. Rất nhiều chiến trường, nhiều vùng đất đã in dấu chân tướng Văn Phác - Tám Trần. Rất nhiều bạn bè đồng đội, đồng chí nhớ tiếc một con người như vậy. Cầu chúc ông lên đường thanh thản như những lần ông từng ra đi trên trần thế... 

(Nguồn Báo Văn Hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×