Trải nghiệm Tết Việt của du khách nước ngoài
17/02/2018 | 07:30Tết Nguyên đán là khoảng thời gian đặc biệt và đáng chờ đợi nhất đối với người dân Việt Nam. Còn với du khách nước ngoài, Tết cổ truyền của người Việt để lại cho họ nhiều ấn tượng và trải nghiệm thú vị.
Sinh viên nước ngoài xin chữ ông đồ, cầu chúc một năm mới an lành và thành công tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Dân Trí
Tết là chuỗi ngày vui vẻ và hy vọng
Khác với Tết Dương lịch của phương Tây và Tết truyền thống một số nước khác, Tết Nguyên đán của Việt Nam ngoài 3 ngày đầu năm Âm lịch chính thức, người Việt bắt đầu chuẩn bị sắm Tết khoảng cuối tháng 1, đặc biệt sau 23 tháng Chạp. Đặc biệt, ba tháng đầu năm Âm lịch gắn với mùa lễ hội. Trong khoảng thời gian “mùa” Tết, du khách sống tại Việt Nam đã có nhiều trải nghiệm thú vị.
Nhiều vị khách vô cùng ngạc nhiên trong những ngày đầu năm mới khi vừa bước ra ngoài đường thấy người Việt Nam chúc nhau bằng những câu chúc về năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Hơn thế, những người lạ đi trên đường vô tình gặp nhau cũng dành cho nhau những lời chúc ý nghĩa nhất. “Tết là lễ hội vô cùng độc đáo. Các nghi lễ truyền thống trong ngày Tết Việt Nam rất được người dân chú trọng, đó là văn hóa chúc tết ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè…” - Anh Joel, giáo viên dạy tiếng Anh đến từ Mỹ.
Nhiều khách du lịch đến Việt Nam đều ấn tượng bởi những tục lệ người Việt thực hiện trong ngày Tết với mong muốn về năm mới tốt lành và may mắn. Chẳng hạn như, họ rất thích quần áo màu sắc rực rỡ như màu đỏ, màu vàng… những màu tượng trưng cho sự may mắn và tốt lành. Trẻ em háo hức nhận phong bao lì xì đỏ thắm từ gia đình và họ hàng. Các bạn học sinh, sinh viên khai bút và đi xin chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám để có một năm mới học hành tấn tới và thi cử thuận lợi.
Để hướng về những điều may mắn, tốt lành, ngoài những việc nên làm trong dịp Tết đến xuân về, Tết truyền thống của người Việt còn gắn với nhiều việc cấm kiêng kị như kiêng quét nhà, kiêng cãi nhau, kiêng cho vay mượn, kiêng đổ vỡ... Những điều này như điểm độc đáo trong văn hóa Tết Việt, “Ở Mỹ, chúng tôi rất ít có những điều kiêng kị theo tâm linh như vậy. Tuy nhiên, tôi cũng không bất ngờ khi nghe về những điều kiêng kị đó từ một đất nước ở khu vực Đông Nam Á có lịch sử hàng ngàn năm.” - Thầy Hugo Palmeira chia sẻ.
Kể cả những việc chuẩn bị Tết cũng khiến người nước ngoài thấy thích thú. Cả gia đình từ người lớn đến trẻ nhỏ đều tất bật dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Trẻ em háo hức được bố mẹ mua quần áo, đồ chơi mới.
Đặc biệt nhất, Tết ở Việt Nam gắn với chùa chiền và mùa lễ hội. Nhiều người nước ngoài sống ở Việt Nam đều đã từng có trải nghiệm đi chùa cầu may vào dịp trước và sau Tết.
Trong lăng kính người nước ngoài, những tục lệ của người Việt trong dịp Tết đều hướng đến sự may mắn và tốt lành. Khi trải nghiệm những phong tục đó, mỗi du khách sẽ như “sứ giả” truyền tải thông điệp tốt đẹp về Tết Việt Nam với quốc tế.
Tết Nguyên đán– cơ hội quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam
Trong quá trình toàn cầu hóa, khi các nền văn hóa có sự tiếp xúc, giao lưu mạnh mẽ, Tết Nguyên đán không chỉ dành riêng cho người Việt mà còn là thời điểm người nước ngoài trải nghiệm những phong tục, tập quán của người Việt. Thầy Joel, giáo viên dạt tiếng Anh đã lên kế hoạch khám phá Tết Việt: “Tết năm nay, tôi sẽ đi du lịch xuyên Việt để hiểu hơn về văn hóa Tết Việt và đặc trưng ẩm thực của người Việt.”
Bạn bè nước ngoài hào hứng tập gói bánh chưng. Ảnh: thegioivanhoa
Với những nét độc đáo trong ẩm thực, phong tục tập quán Tết và hàng nghìn ngôi chùa nổi tiếng, Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt thu hút khách du lịch đến khám phá mảnh đất hình chữ S. Điều này không chỉ mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ từ ngành “công nghiệp không khói” mà còn là cơ hội “vàng” giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tết không đơn thuần là kỳ nghỉ dài mà chứa đựng tính cách của người Việt. Khác với các nước phương Tây, đầu năm là dịp mọi người dành thời gian riêng để nghỉ ngơi và đi du lịch. Thầy Hugo đã có trải nhiệm Tết Nguyên đán Việt Nam chia sẻ: “Mọi người trong gia đình có dịp được gặp gỡ nhau, quây quần bên nhau rất ấm cúng và nhiều tình cảm. Ở Mỹ, chúng tôi thường gặp gỡ và tụ họp gia đình vào ngày Lễ Tạ Ơn, nhưng số người trong gia đình không nhiều. Ví dụ như gia đình tôi chỉ có khoảng 6-7 người. Ở Việt Nam, các gia đình thường đông thành viên nên sẽ vui hơn.”
Tết Nguyên đán– cơ hội quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam. Ảnh: thegioivanhoa
Tết Việt Nam là cơ hội để các gia đình sum họp, đầm ấm bên nhau, cùng nhau chuẩn bị sắm Tết, diện quần áo đẹp đi chơi lễ chùa. Trong Tết, người Việt chuẩn bị mâm ngũ quả, làm mâm cơm thờ cúng Tổ tiên. Tết là dịp các con cháu kính chúc ông bà, cha mẹ… Có thể thấy rằng, Tết của người Việt mang tính cộng đồng và duy trì phát triển nhờ nền tảng gia đình…
Có thể nói, Tết là cơ hội để bạn bè quốc tế biết và hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Mỗi du khách đóng vai trò như đại sứ truyền tải cho bạn bè, gia đình mình ở nước ngoài thông điệp về văn hóa truyền thống Việt Nam./.
Hiền Anh