Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ di sản thiên nhiên

07/02/2025 | 09:01

Vụ cháy rừng đặc dụng tại Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vừa qua là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về công tác bảo vệ di sản thiên nhiên. Không chỉ thiêu rụi hàng nghìn mét vuông rừng, đám cháy còn đe dọa hệ sinh thái quý giá của khu vực và tác động tiêu cực đến giá trị di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đây không phải lần đầu tiên một khu di sản đối mặt với nguy cơ hủy hoại, và nếu không có biện pháp hiệu quả, những di sản thiên nhiên của chúng ta có thể bị tổn hại vĩnh viễn.

Trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ di sản thiên nhiên - Ảnh 1.

Chiều 23/1, trên núi Phủ Khống, thuộc xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình xảy ra vụ cháy rừng đặc dụng. Khu vực này nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An.

Việt Nam có nhiều di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Tràng An... mang lại giá trị to lớn về môi trường, văn hóa và kinh tế. Tuy nhiên, những năm qua, các di sản này liên tục đối mặt với nguy cơ bị tàn phá do cháy rừng, khai thác du lịch quá mức, ô nhiễm môi trường và hoạt động của con người.

Việc bảo vệ di sản thiên nhiên không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng. Mỗi người dân, mỗi du khách đều đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ các giá trị tự nhiên quý báu.

Vụ cháy tại Tràng An là một minh chứng rõ ràng cho những rủi ro mà các di sản thiên nhiên phải đối mặt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, bao gồm thời tiết khô hạn, ý thức của con người và sự chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng. Nếu không có sự chuẩn bị tốt và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng kiểm lâm và người dân, hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn.

Điều đáng lo ngại là những vụ cháy rừng không chỉ làm mất đi diện tích rừng quý giá mà còn gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Các loài động, thực vật quý hiếm có thể bị suy giảm, hệ thống cảnh quan bị thay đổi và trong nhiều trường hợp, sự phục hồi tự nhiên sẽ mất hàng chục năm hoặc không thể khôi phục hoàn toàn.

Để bảo vệ di sản thiên nhiên một cách hiệu quả, chúng ta cần nâng cao ý thức cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng về giá trị của di sản thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ rừng. Đồng thời hướng dẫn du khách và người dân địa phương cách phòng tránh cháy rừng, không đốt lửa bừa bãi, không vứt rác dễ cháy trong rừng.

Bên cạnh đó, cần quan tâm việc xây dựng các chương trình giáo dục môi trường từ cấp học nhỏ nhất để tạo thói quen bảo vệ thiên nhiên, cũng như tăng cường trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý; đầu tư trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng hiện đại hơn; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và giám sát chặt chẽ bằng công nghệ như camera, vệ tinh; tổ chức lực lượng bảo vệ rừng thường trực, nhất là trong mùa khô hanh.

Ngoài ra, phát triển du lịch bền vững bằng việc hạn chế số lượng du khách đến những khu vực có nguy cơ cháy hoặc tác động môi trường; khuyến khích các mô hình du lịch sinh thái, ít tác động đến thiên nhiên. Tạo ra những quy định nghiêm ngặt hơn về hoạt động của con người trong vùng di sản như xây dựng chính sách bảo vệ dài hạn, phối hợp các tổ chức quốc tế và chuyên gia để xây dựng kế hoạch bảo vệ bền vững; tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế trong vùng di sản; cập nhật các quy định về bảo vệ môi trường phù hợp tình hình thực tế và biến đổi khí hậu.

Vụ cháy rừng tại Tràng An là một bài học đắt giá, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại công tác bảo vệ di sản thiên nhiên. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, những giá trị thiên nhiên vô giá sẽ dần mất đi. Cả cộng đồng và chính quyền đều cần chung tay thực hiện những biện pháp cụ thể, hiệu quả, để bảo đảm rằng, các di sản thiên nhiên của Việt Nam sẽ tiếp tục được bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Theo Báo Nhân Dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×