Trả lời kiến nghị của UBND thành phố Đà Nẵng về cơ chế chính sách thí điểm liên kết phát triển du lịch 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
13/03/2019 | 14:10Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương theo Công văn số 708/VPCP-QHĐP ngày 24/01/2019 của Văn phòng Chính phủ, nội dung kiến nghị như sau:
Đề nghị có cơ chế chính sách thí điểm liên kết phát triển du lịch 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Xem xét tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế và quốc gia tại thành phố Đà Nẵng (Câu số 1).
Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 635/BVHTTDL-VP ngày 22/2/2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:
1. Cơ chế chính sách thí điểm liên kết phát triển du lịch 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn ủng hộ các sáng kiến liên kết vùng như liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, liên kết các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, liên kết 4 + 1 của các tỉnh thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long… đặc biệt, mô hình liên kết du lịch 03 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có hiệu quả tích cực trong việc quảng bá, xúc tiến kết nối với các thị trường du lịch khác.
Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam là 03 địa phương tập trung nhiều di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và là những điểm dừng chân chính trong tour du lịch "Con đường di sản Miền Trung". Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xếp hạng di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt để tạo thành những địa điểm du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội kết hợp đảm bảo an ninh, quốc phòng; tuyên truyền vận động, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực khác để thực hiện việc bảo quản và tu bổ di tích; lồng ghép các Chương trình trên địa bàn (Chương trình 135, Chương trình hạ tầng du lịch, Chương trình xây dựng nông thôn mới...); nghiên cứu lập quy hoạch, triển khai dự án về di sản văn hóa, đặc biệt là các dự án về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn các tỉnh/thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Đề nghị các tỉnh/thành cần chủ động xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết phù hợp với mô hình liên kết đã được triển khai từ năm 2006, đặc biệt có thể nghiên cứu học tập cơ chế hợp tác liên kết của các vùng khác để xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể về hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch chung, phối hợp xúc tiến quảng bá và đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, chính sách thuế trong du lịch, chính sách hợp tác công tư, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng...
2. Đối với việc tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế tại thành phố Đà Nẵng
Trong những năm vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế như: Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX năm 2017, Hội nghị quốc tế về du lịch và thể thao, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ đề xuất của thành phố Đà Nẵng, đề nghị địa phương căn cứ vào kế hoạch tổ chức sự kiện, điều kiện và năng lực tổ chức để chủ động nghiên cứu đề xuất với các cấp có thẩm quyền đăng cai các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế; chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch làm việc cụ thể với các đơn vị chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế tại địa phương và đưa vào kế hoạch thực hiện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để biết./.