Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh về đề nghị có văn bản hướng dẫn việc thu, chi các khoản tiền và hiện vật được phật tử, nhân dân và các tổ chức đóng góp vào các Chùa, cơ sở thờ tự

02/03/2020 | 11:03

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri đề nghị Bộ sớm có văn bản hướng dẫn việc thu, chi các khoản tiền và hiện vật được Phật tử, nhân dân và các tổ chức đóng góp vào các Chùa, cơ sở thờ tự để giúp quản lý minh bạch nguồn kinh phí này, tránh việc cá nhân lợi dụng trục lợi, gây ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và gây bất bình trong nhân dân.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 830/BVHTTDL-VP ngày 27 tháng 02 năm 2020 về nội dung kiến nghị của cử tri, như sau:

1. Về quản lý, sử dụng tiền công đức

- Tại Điều 15 và Điều 56 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Điều 19, 20, 22 Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định cụ thể về quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng và quản lý, sử dụng nguồn thu, trong đó yêu cầu phải quản lý và sử dụng nguồn thu đúng mục đích, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn hoạt động quyên góp, tiếp nhận, quản lý các khoản tài trợ của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và hướng dẫn cụ thể nội dung chi của các khoản quyên góp này; quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

- Đối với các công trình tín ngưỡng là di tích, việc quản lý, sắp đặt hòm công đức đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tại Chỉ thị số 16/CT-BVHTTDL ngày 03/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích, giao nhiệm vụ cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, trong đó có nội dung:

"Chỉ đạo các Ban quản lý di tích ở cơ sở xem xét, bố trí hợp lý nơi đặt hòm công đức tại di tích; khuyến khích việc thực hiện tại mỗi di tích (di tích đơn lẻ hoặc di tích thuộc cụm di tích) chỉ đặt 01 hòm công đức ở vị trí thích hợp, đồng thời hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ thực hiện không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc gài tiền lẻ vào đồ lễ, tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích".

Căn cứ vào đặc điểm địa phương, Ban quản lý di tích ở cơ sở bố trí lực lượng phù hợp để kịp thời thu gom các loại hương, tiền công đức và tiền lễ mà khách tham quan, người hành lễ đã đặt tại những vị trí không thích hợp, làm ảnh hưởng môi trường, mỹ quan di tích".

Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về di sản văn hóa tại các di tích, song vẫn còn có tình trạng có di tích đặt nhiều hòm công đức gây phản cảm. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để khắc phục tình trạng này.

2. Về quản lý thu, chi tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích)

- Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo cũng có một số nội dung liên quan đến tiền công đức, cụ thể:

Khoản 4 Điều 3, quy định:

"Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch".

Điều 7, quy định:

"1. Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch.

3. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan".

- Tại các di tích đồng thời là công trình tôn giáo, tín ngưỡng có các nguồn thu chính sau: Tiền thu từ vé tham quan, tiền công đức (tiền cho vào hòm công đức và tiền đặt lên các ban thờ còn gọi là tiền giọt dầu), tiền tổ chức hoạt động dịch vụ. Đối với tiền thu từ vé tham quan và tiền thu được từ tổ chức hoạt động dịch vụ, căn cứ các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích quyết định một phần trang trải chi phí trông nom di tích, một phần sử dụng vào tu bổ, chống xuống cấp di tích, còn lại bổ sung công quỹ Nhà nước theo quy định.

Đối với tiền công đức, việc quản lý là hết sức phức tạp. Vấn đề này xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới (Trung Quốc, Hàn Quốc…). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu các tỉnh/thành kiện toàn bộ máy quản lý di tích để đảm bảo, dù di tích thuộc bất kỳ hình thức sở hữu nào đều phải có chính quyền, người am hiểu di tích tham gia quản lý di tích, qua đó phần nào góp phần để di tích được tu bổ, trông nom bằng nguồn thu được từ công đức.

Khoản 6, Điều 19 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, đã giao: "Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác quản lý lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội".

Trong khi chờ có hướng dẫn của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các cấp cần chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Giáo hội các cấp đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nhằm tạo sự thống nhất, đoàn kết trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo), Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×