Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn về Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

17/01/2019 | 06:32

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 470/BDN ngày 15/11/2018, nội dung kiến nghị như sau:

1. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về mức xử phạt tiền đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình "từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng". Tuy nhiên, nội dung quy định trên chưa nêu rõ mức độ lăng mạ, chửi bới thành viên trong gia đình như thế nào thì sẽ bị xử lý, ngoài ra để có căn cứ xử phạt cần có các bằng chứng, có người tố giác hoặc cơ quan chức năng phát hiện. Trên thực tế, mức phạt quy định như trên khó áp dụng trong việc xác định mức độ hành vi và không có ý nghĩa trong việc răn đe, giáo dục đối với người có hành vi vi phạm khi người đó có điều kiện về kinh tế. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, biện pháp xử phạt này có thể khiến hành vi bạo lực nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn. Đề nghị Bộ, ngành Trung ương có liên quan nghiên cứu đồng thời hình phạt tiền, cần bổ sung hình phạt "lao động công ích tại địa phương" nhằm tạo hiệu quả về tiếng nói dư luận và nâng cao tính răn đe, giáo dục người có hành vi vi phạm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình (Câu số 20).

2. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, điều kiện để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định cấm tiếp xúc phải có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế quy định như trên chưa thực sự bảo vệ nạn nhân tránh được những hành vi bạo lực nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra. Vì vậy, đối với những trường hợp nguy hiểm đến thân thể và tính mạng của nạn nhân bị bạo lực gia đinh, đề nghị sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 20 theo hướng như sau: Khi nhận được tin báo bạo lực gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định áp dụng ngay việc cấm tiếp xúc và các biện pháp khác bảo đảm an toàn cho nạn nhân (Câu số 21).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số: 5784/BVHTTDL-VP ngày 24/12/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

1. Về đề nghị Bộ, ngành Trung ương có liên quan nghiên cứu đồng thời hình thức phạt tiền, cần bổ sung hình thức phạt "lao động công ích tại địa phương" nhằm tạo hiệu quả về tiếng nói dư luận và nâng cao tính răn đe, giáo dục người có hành vi vi phạm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 do Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham gia ý kiến về nội dung trên theo thẩm quyền khi Nghị định số 167/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung.

2. Về việc đề nghị sửa đổi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Sau 10 năm thi hành, Luật Phòng chống, bạo lực gia đình đã bộc lộ một số bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính thực thi của pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện các điều khoản của Luật, trong đó, Bộ ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu đưa vào nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống, bạo lực gia đình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để trả lời cử tri./

>> Toàn văn nội dung văn bản

Cổng TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×