Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương về đề nghị xem xét điều chỉnh một số điều của Luật Du lịch, Luật Quảng cáo

29/08/2023 | 10:47

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2023 của Ban Dân nguyện và Công văn số 4544/VPCP-QHĐP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, nội dung kiến nghị như sau:

1. Đối với Luật Du lịch năm 2017, đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét một số nội dung sau:

- Điều 50 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng cũng như chuẩn hóa chất lượng thông qua việc thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú của địa phương, do đó, đề nghị xem xét điều chỉnh sửa đổi quy định việc xếp hạng cơ sở kinh doanh lưu trú cho phù hợp.

- Điều 25 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch chưa có quy định việc thông báo về thời điểm bắt đầu kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định (như cơ sở lưu trú du lịch là có thông báo). Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định này nhằm tăng cường trong công tác quản lý Nhà nước đạt hiệu quả.

- Điều 49 quy định điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch còn chung chung, chưa cụ thể, quy định như vậy dẫn đến tình trạng một số cơ sở kinh doanh lưu trú chưa đảm bảo chất lượng hoạt động, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của du lịch trong nước. Đề nghị nghiên cứu, có quy định cụ thể và nâng mức điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của dịch vụ lưu trú du lịch, từ đó phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Đối với Luật Quảng cáo năm 2012, đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét một số nội dung sau:

- Khoản 4 Điều 27 quy định về thời hạn treo băng-rôn không quá 15 ngày, chưa có quy định về thời hạn thực hiện trên bảng quảng cáo. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thời hạn quảng cáo trên bảng quảng cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước cũng như mỹ quan đô thị.

- Khoản 7 Điều 29 quy định hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải có bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo là không cần thiết. Đề nghị bỏ quy định này nhằm đơn giản thành phần hồ sơ và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

- Khoản 1 Điều 30 quy định tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày. Đề nghị chỉ cần thông báo trước 05 ngày làm việc để phù hợp với đơn vị có nhu cầu thực hiện quảng cáo làm các thủ tục, ký hợp đồng dịch vụ và phù hợp với thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

- Điều 31 quy định về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo không có quy định về thời hạn của công trình sau khi được cấp phép. Đề nghị cần quy định có thời hạn để đảm bảo an toàn cho các trụ quảng cáo do trên thực tế, nhiều công trình quảng cáo bị xuống cấp, hư hại do thời tiết và có khả năng gây nguy hại tới con người, nhất là khi xảy ra mưa, bão.

3. Về thông tin liên quan đến việc đấu giá 2 cổ vật của triều Nguyễn gồm một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và một bát vàng triều Khải Định (1917-1925) tại Pháp, cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết quan điểm của Bộ về 2 cổ vật này và Nhà nước có dự kiến tham gia đấu giá và thu hồi cổ vật hay không.

4. Hiện nay tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành du lịch. Đề nghị Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi trong giai đoạn khó khăn như ban hành các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, giãn nộp các khoản thuế, phí, bảo hiểm xã hội… (Nội dung số 93 tại Công văn số 4544/VPCP-QHĐP).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3322/BVHTTDL-VP ngày 11/8/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV như sau:

1. Về đề nghị xem xét điều chỉnh một số điều của Luật Du lịch cho phù hợp với thực tiễn

Luật Du lịch được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2018 đến nay đã được 5 năm. Trong quá trình thi hành luật, các địa phương, tổ chức, cá nhân phát hiện các vấn đề còn vướng mắc cần kiến nghị, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp và đưa vào đề xuất báo cáo Chính phủ khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực du lịch.

2. Về đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi một số nội dung của Luật Quảng cáo

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Những nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên đã được tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất trong dự kiến nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại Hồ sơ đề nghị trình Chính phủ thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2023.

3. Về đề nghị thông tin liên quan đến việc đấu giá 2 cổ vật của triều Nguyễn

Ngày 19 tháng 10 năm 2022, website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 -1841) (lô số 101) thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam" vào 11 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2022 (giờ Paris). Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", được sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan nỗ lực, khẩn trương xây dựng phương án "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện thông qua con đường ngoại giao văn hóa và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với Hãng đấu giá Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình "hồi hương" ấn vàng.

Quá trình triển khai phương án đã đánh giá tính xác thực hồ sơ pháp lý liên quan đến ấn vàng, xác định tính xác thực ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" Hãng đấu giá Millon lưu giữ là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 08 tháng 3 năm 1952 (hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I).

Hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hoà Pháp; thống nhất bồi thường quyền lợi của các bên liên quan theo Luật Dân sự của Pháp đối với gia đình Bảo Đại. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý liên quan để có thể "hồi hương" ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp.

Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng với các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với Hãng đấu giá Millon thực hiện lộ trình thủ tục "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quy định pháp luật của hai nước. Việc thực thiện phương án tài chính bồi thường quyền lợi cho các bên liên quan được huy động từ nguồn xã hội hóa.

4. Về đề nghị có biện pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi trong giai đoạn khó khăn qua các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, giãn nộp các khoản thuế, phí, bảo hiểm xã hội…

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, đã có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi ngành Du lịch được ban hành:

- Ngày 18 tháng 5 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQCP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững;

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, kéo dài thời gian lưu trú đối với thị thực miễn đơn phương từ 15 ngày lên 45 ngày; có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2023 tạo thuận lợi về thủ tục thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một số các quy định liên quan đến nguồn vốn, giãn nộp các khoản thuế, phí góp phần hỗ trợ phục hồi du lịch khác cũng đã được ban hành như:

- Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ ban hành quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội. Theo đó, từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, hàng loạt các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế giá trị gia tăng 10% được giảm xuống còn 8%;

- Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 14 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất;

- Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định từ 24 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với: Số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ);

- Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, theo đó, tiếp tục giảm 50% phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Bên cạnh đó, chính sách giảm 80% tiền ký quỹ vẫn đang được áp dụng thực hiện đến hết năm 2023 theo quy định tại Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri.

>> Toàn văn nội dung văn bản./.

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×