Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương về công tác quản lý tại các di tích lịch sử và các điểm sinh hoạt văn hóa
31/08/2022 | 15:00Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Công tác quản lý của ngành văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc bố trí biên chế tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, trong đó có các khu di tích cấp quốc gia, dẫn đến chưa phát huy hết giá trị văn hóa của các di tích. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có cơ chế để bổ sung lực lượng này tại các địa phương, góp phần nâng cao công tác quản lý và phát huy tối đa giá trị lịch sử của các khu di tích trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cử tri phản ánh nhiều quy định về xã hội hóa đối với các khu di tích còn chưa rõ ràng, dẫn đến khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu di tích.
2. Cử tri phản ánh hiện nay các Trung tâm văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hóa tại các địa phương hoạt động chưa hiệu quả. Các cơ quan quản lý không thể cho các đơn vị bên ngoài thuê để tạo nguồn thu duy trì hoạt động, đồng thời nguồn lực về con người chưa được quan tâm bố trí để đảm bảo hoạt động thường xuyên của các đơn vị này. Do đó, cử tri đề nghị cần có cơ chế phù hợp về tài chính và con người để nâng cao hiệu quả sử dụng, góp phần tạo địa điểm vui chơi, sinh hoạt cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 2979/BVHTTDL-VP ngày 10/08/2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, như sau:
1. Về đề nghị bố trí bổ sung biên chế quản lý văn hóa tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh
Tại điểm đ khoản 2 Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc phạm vi quản lý trong tổng số lượng người làm việc đã được Bộ Nội vụ thẩm định; quyết định giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý trong tổng số lượng người làm việc được Hội đồng nhân dân phê duyệt; quyết định giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thuộc phạm vi quản lý". Theo đó, việc phê duyệt và giao, điều chỉnh số lượng người làm việc (biên chế viên chức) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bình Dương (trong đó bao gồm số lượng người làm việc tại các di tích lịch sử) thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rà soát, hoàn thiện dự thảo Thông tư để gửi xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ (lần 02) trước khi ban hành theo quy định pháp luật.
Đối với nội dung phản ánh của cử tri liên quan đến việc nhiều quy định xã hội hóa đối với các khu di tích còn chưa rõ ràng, dẫn đến khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu di tích: Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa, lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, trong đó có điều chỉnh bổ sung nội dung quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích nhằm nâng cao công tác quản lý và phát huy giá trị di tích; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách ưu đãi trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm các hình thức xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
2. Về đề nghị có cơ chế phù hợp về tài chính và con người để nâng cao hiệu quả sử dụng các điểm sinh hoạt văn hóa tại các địa phương
Tại khoản 2 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: "Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng)". Tại Điều 74 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng: "Cơ quan nhà nước; Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập; Doanh nghiệp; Đối tượng khác theo quy định của pháp luật có liên quan".
Căn cứ các quy định trên, Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, xã được xác định là hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, do đó được tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định tại Điều 80, 81, 83 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đề nghị cơ quan chuyên môn tại địa phương nghiên cứu, tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri.