Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về một số vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch và giá trị văn hóa, đạo đức xã hội

27/12/2019 | 15:59

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 415/BDN ngày 08/11/2019, nội dung kiến nghị như sau:

1. Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nguồn khách quốc tế theo địa bàn, quản lý chất lượng điểm đến, tuyến du lịch, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng, bảo đảm phát triển bền vững. Có biện pháp quản lý các tour du lịch 0 đồng, ngăn chặn việc trốn thuế.

2. Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng lượng khách du lịch đã đề ra; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để phát huy giá trị đạo đức, văn hóa trong xã hội, trong đó chú ý về nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử nơi công cộng kể cả ở trong nước và khi ra nước ngoài.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 5170/BVHTTDL-VP ngày 24 tháng 12 năm 2019 về nội dung kiến nghị của cử tri, như sau:

1. Về đề nghị tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nguồn khách quốc tế, quản lý các tour du lịch 0 đồng

a) Về đề nghị tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nguồn khách quốc tế:

Trong năm 2019, ngành Du lịch đã đẩy mạnh hoạt động, tăng cường hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong nước, đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức 03 Hội chợ du lịch quốc tế năm 2019 là VITM (Hà Nội), ITE (TP. Hồ Chí Minh); VITM (Cần Thơ) với nhiều điểm mới so với các năm trước. Đã đón các đoàn famtrip, presstrip, blogger từ các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, ASEAN... đến khảo sát du lịch Việt Nam. Tham gia 8 Hội chợ du lịch quốc tế: FITUR (Tây Ban Nha); MITT (Nga); ITB (Đức); Sơn Đông (Trung Quốc); Hanatour (Hàn Quốc); BITE Bắc Kinh (Trung Quốc); CITM (Trung Quốc), WTM (Anh). Tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh...

Hiện nay, ngành Du lịch đang tập trung triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với 5 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp đầu tiên là nghiên cứu, định hướng thị trường, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể như sau: (1) Cơ cấu lại tỷ lệ khách theo nhu cầu du lịch và các khu vực trên thế giới, tránh phụ thuộc vào thị trường nguồn nhất định; (2) Tiếp tục đẩy mạnh khai thác lợi thế các thị trường gần: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), Đông Nam Á. Tập trung thu hút các thị trường khách có khả năng chi tiêu cao: Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha), 4 nước Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc; (3) Chú trọng khai thác thị trường nội địa gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, nghĩ dưỡng núi, tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm văn hoá dân tộc, du lịch MICE, du lịch cuối tuần…

b) Về quản lý chất lượng điểm đến, tuyến du lịch, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng, bảo đảm phát triển bền vững:

Theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, điểm đến du lịch bao gồm: các khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và các điểm du lịch.

Công tác quản lý điểm đến bao gồm:

- Quản lý công tác quy hoạch và đầu tư phát triển;

- Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của hướng dẫn viên du lịch;

- Quản lý việc đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch;

- Bảo đảm an toàn cho khách du lịch; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong khu du lịch;

- Xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch và các nội dung khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý điểm đến vẫn còn một số hạn chế:

- Một số điểm đến du lịch vẫn còn tình trạng chưa đảm bảo về công tác an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, đặc biệt là trong mùa cao điểm và các dịp lễ hội, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm dịch vụ và hình ảnh của điểm đến.

- Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên du lịch tại một số địa phương còn nhiều bất cập.

Nhằm khắc phục những hạn chế đó, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành:

- Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;

- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành và chỉ đạo thực hiện:

- Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong hoạt động du lịch tại các điểm đến du lịch.

- Thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, công tác cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên và hoạt động hướng dẫn viên du lịch tại các địa phương cũng như tại các khu, điểm du lịch.

- Đã có 32/52 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch; 51/63 địa phương thiết lập đường dây nóng hỗ trợ kịp thời cho khách du lịch; 793/1303 khu, điểm đã có nhà vệ sinh cho khách du lịch; 02/24 địa phương đã triển khai xã hội hóa nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch.

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương, công tác quản lý môi trường du lịch chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

- Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nâng cao trách nhiệm, có hình thức khen thưởng, xử phạt rõ ràng cá nhân, tổ chức để xảy ra những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của khách du lịch và gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn thuộc quyền quản lý.

- Tổ chức tuyên truyền về vai trò của ngành Du lịch, vận động các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện quy định của nhà nước về kinh doanh du lịch, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội, công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, hành vi cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận, tăng giá, chặt chém, ép khách du lịch.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước trong hoạt động du lịch, trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm đến du lịch, khu, điểm du lịch, đặc biệt là loại hình sản phẩm du lịch mạo hiểm.

- Quản lý giá cả tại những cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

- Tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến cải tiến chất lượng, cung cấp các dịch vụ chất lượng tốt, được dư luận và khách du lịch đánh giá cao.

c) Đề nghị có biện pháp quản lý các tour du lịch 0 đồng:

Về bản chất, tour giá rẻ là hình thức cạnh tranh về giá tour. Trong cạnh tranh điểm đến hiện nay, xu hướng giảm giá tour du lịch để thu hút khách, kích thích mua sắm và sử dụng dịch vụ, tăng chi tiêu ngoài tour của khách.

Tour giá rẻ không có nghĩa là khách chi trả thấp khi đi du lịch mà trên thực tế, khách du lịch vẫn chi tiêu khá nhiều tại điểm đến, trả chi phí cho nhà hàng, khách sạn, hãng vận chuyển, điểm tham quan, điểm mua sắm...

Đây là hiện tượng xảy ra ở hầu hết các quốc gia, nhất là các nước Châu Á, là một quy luật của thị trường và nó chỉ diễn biến tiêu cực khi có các hành vi vi phạm pháp luật, trốn thuế, cắt giảm dịch vụ, bán hàng chất lượng thấp, giá cao và bị buông lỏng quản lý.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước hoạt động của các tour du lịch 0 đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

- Đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm việc với Cơ quan du lịch quốc gia, địa phương của thị trường gửi khách để ngăn chặn từ gốc mặt trái của các tour du lịch giá rẻ (đã đạt hiệu quả bước đầu khi làm việc với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc).

- Tăng cường thanh, kiểm tra các công ty lữ hành, nâng cao đạo đức của hướng dẫn viên, thực hiện nghiêm Nghị định số 145/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

- Tăng cường công tác phối hợp quản lý liên ngành: Quản lý thị trường, thuế và ngân hàng... để chấn chỉnh, kiểm soát giao dịch trái phép của công ty lữ hành, hướng dẫn viên, các cửa hàng mua sắm, cơ sở kinh doanh dịch vụ...

- Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng dịch vụ mua sắm phục vụ khách du lịch.

- Đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có những biện pháp quyết liệt, cụ thể xử lý nghiêm sai phạm tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số địa phương. Kết quả: Đóng cửa 06 cửa hàng mua sắm; buộc xuất cảnh 20 đối tượng người nước ngoài; xử phạt 12 doanh nghiệp; thu hồi 05 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

2. Về đề nghị thực hiện các giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao chất lượng du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng lượng khách du lịch đã đề ra

Sự phát triển của công nghệ, các hình thức vận chuyển mới, nhu cầu trải nghiệm điểm đến mới… đang làm thay đổi nhu cầu du lịch và hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới như du lịch xanh, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch tình nguyện, du lịch ẩm thực... Tiếp cận thông tin và tiêu dùng sản phẩm du lịch gắn nhiều hơn với các sản phẩm công nghệ thông tin. Một số doanh nghiệp du lịch đã nhanh chóng, chủ động phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch gắn với giá trị chính của các ngành lĩnh vực khác nhau như du lịch nông thôn gắn với ngành nông nghiệp; du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe về khám chữa bệnh, tầm soát, chữa bằng y học cổ truyền gắn với ngành y tế; du lịch tham dự các giải thể thao gắn với ngành thể thao; du lịch tìm hiểu nhà máy, tìm hiểu công nghệ gắn với ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Các Bộ, ngành liên quan đến các loại hình sản phẩm nêu trên chưa có nhiều chủ trương, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, khuyến khích phát triển các loại hình này mặc dù nhu cầu thị trường gia tăng nhanh, các doanh nghiệp từng bước cung cấp các sản phẩm đáp ứng thị trường. Các vấn đề về quản lý nhà nước và kinh doanh chưa theo kịp xu hướng thị trường như về nguồn nhân lực, về quản lý chất lượng dịch vụ, về liên kết giữa du lịch và các ngành.

Về công tác chỉ đạo điều hành, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành:

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" với nhiều nhiệm vụ, giải pháp liên kết, phát huy các giá trị các Bộ, ngành lĩnh vực để phát triển du lịch.

- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo 7 vùng với 3 dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái và khuyến khích sự đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch mới; định hướng 49 địa bàn tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia là các điểm nhấn về sản phẩm du lịch.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, các đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho 7 vùng du lịch.

Về giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao chất lượng du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương thực hiện các nội dung sau:

- Tham mưu Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo, nắm bắt kịp thời nhu cầu mới của thị trường để phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.

- Tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành lồng ghép các nhiệm vụ khuyến khích phát triển du lịch trong chiến lược, kế hoạch ngành. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, sáng tạo.

- Tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo đã ban hành. Đối với những loại hình, sản phẩm du lịch mới có tiềm năng phát triển, lợi thế về tài nguyên cần khai thác mạnh mẽ. Với các xu hướng chưa rõ về hiệu quả tích cực, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh vội vã triển khai dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

- Có phương án, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm.

- Xã hội hóa trong phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

- Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ phát triển du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái du lịch thông minh.

3. Về đề nghị phối hợp có giải pháp cụ thể để phát huy giá trị đạo đức, văn hóa trong xã hội

a) Giải pháp đã triển khai thực hiện

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã:

- Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa, "Tổ dân phố văn hóa"; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

- Tổ chức Hội nghị Tổng kết Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000 - 2018.

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"; "Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến 2020"; "Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016 - 2020"; "Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020"; "Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020"...

- Ban hành Quyết định số 71/QĐ-BVHTTDL ngày 12/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch triển khai các giải pháp tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội giai đoạn 2019 - 2021.

- Ban hành Quyết định số 3020/QĐ-BVHTTDL ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ngăn ngừa mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm đồi trụy trái với thuần phong mỹ tục giai đoạn 2020 - 2022.

- Ban hành Quyết định số 2708/QĐ-BVHTTDL ngày 02/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 - 2025".

- Tổ chức thí điểm thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: Du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp...

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống. Xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương.

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.

b) Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

- Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về đạo đức, lối sống; thực hiện những nhiệm vụ của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu, của đảng viên.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật về xây dựng hành vi ứng xử văn hóa.

- Phát huy giá trị văn hóa của di sản, văn học, nghệ thuật.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần giáo dục đạo đức, tạo dựng lối sống lành mạnh.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu, tạo nên dư luận lành mạnh lên án cái ác, ca ngợi cái đẹp, lấy gương người tốt, việc tốt, người tử tế để giáo dục, cổ vũ, khuyến khích tính hướng thiện của con người.

- Phối hợp với các Bộ, ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa di sản văn hóa vào trường học, triển khai phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên truyền về văn hóa ứng xử: Trách nhiệm của người tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; quy định xét tặng các danh hiệu văn hóa; tiêu chí văn hóa giao thông; Quy tắc ứng xử văn minh du lịch (Công văn số 1742/BVHTTDL-VHCS ngày 08/5/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cung cấp thông tin tuyên truyền văn hóa ứng xử); với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh triển khai các chương trình phối hợp xây dựng đạo đức, lối sống trong các lĩnh vực, địa bàn công tác có liên quan...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×