Trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về đề nghị có chế độ, chính sách đối với các nghệ sĩ và hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật
19/01/2023 | 08:29Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Cử tri cho rằng thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần bảo đảm môi trường tự do, dân chủ trong hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên trước bối cảnh mới, công tác này đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh kịp thời, góp phần tạo đà cho nghệ thuật nước nhà không ngừng phát triển. Kiến nghị xử lý kịp thời những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, núp bóng nghệ thuật và nghệ sĩ để chống phá Đảng, Nhà nước, làm ô nhiễm môi trường văn hóa, đầu độc tâm hồn con người.
2. Cử tri kiến nghị Bộ quan tâm, có giải pháp về chế độ, chính sách đối với các nghệ sĩ và có chính sách hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật, vì hiện nay vẫn có rất nhiều nghệ sĩ hoạt động độc lập, trong khí đó các đơn vị nghệ thuật hoàn toàn tự chủ trong mọi khâu, để đảm bảo nguồn kinh phí các đơn vị nghệ thuật này có thể phải chạy theo tiếng cười, tức nhu cầu giải trí đơn giản mà bỏ qua yếu tố nghệ thuật, do đó các văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và không thể tích cực cống hiến.
3. Cử tri kiến nghị Bộ có chính sách bảo tồn, duy trì phát triển các loại hình nghệ thuật, văn hóa truyền thống (cải lương, tuồng cổ,…), đề xuất công nhận cải lương là di sản phi vật thể quốc gia. Đồng thời, đề nghị Bộ quan tâm, đầu tư để có hệ thống nhà hát được khai thác đúng nghĩa, đúng công năng, kinh phí thuê ở mức tương đối và phát huy được hiệu quả.
4. Cử tri kiến nghị Bộ nghiên cứu có lớp tập huấn cho nghệ sĩ, nâng cao kỹ năng đối mặt giải quyết khủng hoảng truyền thông sao cho văn minh và đúng pháp luật, đồng thời cũng cần xử lý nghiêm minh hành vi vu khống, bôi nhọ nghệ sĩ.
5. Cử tri kiến nghị Bộ nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư hệ thống phát hành phim và phổ biến phim.
6. Cử tri đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, đảm bảo nội dung quảng cáo phù hợp, hoạt động quảng cáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không gây bức xúc cho người tiếp nhận.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 29/BVHTTDL-VP ngày 05/01/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV như sau:
1.Về kiến nghị xử lý những hành vi làm ô nhiễm môi trường văn hóa, đầu độc tâm hồn con người
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đối với ngành văn hoá, thể thao và du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thường xuyên rà soát đánh giá những vấn đề còn hạn chế, bất cập hoặc mới phát sinh nhằm có hướng điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo; tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản sau: - Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực đối với công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động biểu diễn nghệ thuật được chính quyền địa phương các cấp thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và thường xuyên. - Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo. Theo đó, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo đã nâng mức phạt tiền tối đa đối với các đơn vị tổ chức, đình chỉ hoạt động đối với đơn vị tổ chức và đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 12 đến 24 tháng và áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu huỷ tang vật, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp…
- Luật Điện ảnh năm 2022 được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã quy định cụ thể hơn về các điều cấm trong hoạt động điện ảnh (tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, kích động bạo lực, xúc phạm nhân phẩm con người, trái thuần phong mỹ; tục…).
- Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, theo đó quy định người tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật: Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần "thượng tôn pháp luật", tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.
- Công văn số 2019/BVHTTDL-NTBD ngày 10/6/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chấn chỉnh công tác thi hành pháp luật về hoạt động văn hoá, nghệ thuật.
- Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt 3 động văn hoá nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, phục hồi và phát triển du lịch. Để đảm bảo cho môi trường văn hóa phát triển lành mạnh, phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo: đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo vào năm 2024, tiến tới xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn vào năm 2025; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính.
2. Về đề nghị có chế độ, chính sách đối với các nghệ sĩ và hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật
Theo số liệu thống kê, hiện nay chỉ có 02 đơn vị (Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam) trên tổng số 12 đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị còn lại vẫn thực hiện chế độ, chính sách theo quy định. Đối với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở địa phương, theo phân cấp, nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị do chính quyền địa phương bảo đảm phù hợp tình hình và yêu cầu thực tế. Về chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hiện nay vẫn đang thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 14/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do tình hình kinh tế còn khó khăn nên một số địa phương chưa thể thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Tuy nhiên, xét tổng thể so với các ngành khác, chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật công lập của ngành văn hóa đã đầy đủ và được phân bổ phù hợp so với nguồn chi kinh phí của Nhà nước. Đối với chế độ, chính sách của đơn vị xã hội hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành rà soát, đánh giá sự phù hợp của các tiêu chí, tiêu chuẩn xã hội hóa của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (sửa đổi, bổ sung từ Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013) và đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp hơn, tạo các ưu đãi, khuyến khích xã hội tham gia đầu tư cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Trong năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
3.Về đề xuất công nhận cải lương là di sản phi vật thể quốc gia
Theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Như vậy, để có cơ sở xem xét, ghi danh Cải Lương vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cần căn cứ vào các quy định nêu trên, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đối với di sản này, trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có tờ trình kèm hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét theo quy định.
- Về đề nghị quan tâm, đầu tư để có hệ thống nhà hát được khai thác đúng nghĩa, đúng công năng, phát huy được hiệu quả
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất đầu tư hệ thống nhà hát cấp quốc gia do các Bộ, ngành Trung ương quản lý. Đối với hệ thống nhà hát tại địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất đầu tư xây dựng và quản lý theo quy định về quản lý tài sản công. Do đó, để có cơ sở đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư hệ thống nhà hát trên toàn quốc nói chung, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ xem xét, thẩm định về Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4.Về đề nghị có lớp tập huấn cho nghệ sĩ, nâng cao kỹ năng đối mặt giải quyết khủng hoảng truyền thông văn minh và đúng pháp luật
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức từ 01 đến 03 Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTTDL, Sở VHTT tổ chức quán triệt đến các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực mình phụ trách để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nắm được các quy định của pháp luật, từ đó có những hành vi, ứng xử cho phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức, phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn kỹ năng xử lý thông tin nhằm hạn chế tối đa các khủng hoảng truyền thông liên quan đến nghệ sỹ và tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
- Về đề nghị xử lý nghiêm minh hành vi vu khống, bôi nhọ nghệ sĩ
Xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 và 5 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ. Đối với hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đã được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.
5.Về đề nghị nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư hệ thống phát hành phim và phổ biến phim
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý hoạt động điện ảnh, đặc biệt là hoạt động phát hành, phổ biến phim. Bên cạnh dự án đào tạo của các trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có hình thức kết hợp với một số trường Điện ảnh trên thế giới để mời chuyên gia giảng dạy cho sinh viên Việt Nam trong các khóa học ngắn hạn về sản xuất, phát hành phổ biến phim. Hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các khóa học về kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực phổ biến phim trên hệ thống máy móc công nghệ mới cho các kỹ sư, kỹ thuật viên ngành điện ảnh thuộc các cơ sở điện ảnh của 63 tỉnh, thành phố để phục vụ nhân dân, đặc biệt trong công tác chiếu phim lưu động. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các đoàn đi học tại nước ngoài trong dự án chương trình mục tiêu do nhà nước tài trợ như khóa học phim hoạt hình và công nghiệp văn hóa tại Nhật Bản; kết hợp với các tổ chức khác đào tạo ngắn hạn cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam... Điển hình như trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, chương trình Đào tạo tài năng trẻ được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà làm phim uy tín quốc tế, tạo nguồn dự án sản xuất phim và bồi dưỡng tài năng trẻ để có tác phẩm tốt tham dự các Liên hoan Phim quốc tế.
6. Về đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quảng cáo, cụ thể: + Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
+ Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
+ Năm 2022, đã tiến hành tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo, trên cơ sở đó, nghiên cứu, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri vào nội dung đề xuất, sửa đổi Luật Quảng cáo trong thời gian tới. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật để sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo quy định pháp luật hiện hành.
-Tăng cường công tác phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các phương tiện.
- Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương trong công tác xây dựng Quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Trong năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 214/HD-BVHTTDL ngày 21/01/2022 về việc lập (hoặc điều chỉnh) Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, tạo cơ sở quan trọng cho công tác xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quảng cáo ngoài trời, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.
- Ban hành Quyết định số 4149/QĐ-BVHTTDL ngày 03/11/2017 về Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo phát huy cơ chế tự quản, tự giám sát, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động quảng cáo.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; tập huấn, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc thực thi các quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, công chúng đối với lĩnh vực quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội đối với hoạt động quảng cáo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.