Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về chính sách phát triển dịch vụ cảng biển và du lịch
23/04/2019 | 14:39Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 803/VPCP-QHĐP ngày 28/01/2019, nội dung kiến nghị như sau:
"Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, đặc biệt là trong 3 năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc của cán bộ và nhân dân, thành phố Hải Phòng đã đạt được những đột phá mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội như: xây dựng tương đối đồng bộ cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội,... Tuy nhiên, Hải Phòng chưa phát huy được hết thế mạnh của mình trong 02 lĩnh vực là dịch vụ cảng biển và du lịch. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách đột phá hơn nữa để Hải Phòng đưa dịch vụ cảng biển và du lịch trở thành 02 ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có của thành phố" (Câu số 1).
Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 913/BVHTTDL-VP ngày 14/3/2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 06/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những giải pháp quan trọng của Chiến lược phát triển du lịch lần này đó là: Có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá và những biện pháp đồng bộ để phát huy tốt nhất nội lực, tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển du lịch, trong đó chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng chở khách du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông.
Tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, du lịch và dịch vụ biển cũng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên số một, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.
Hải Phòng có rất nhiều tiềm năng phát triển mạnh về du lịch biển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang và sẽ quan tâm, phối hợp với thành phố Hải Phòng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quyết định số 821/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị định số 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển... Bên cạnh đó đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường bộ ven biển với mục tiêu kết nối giao thông hành làng ven biển Bắc bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua trong đó có Hải Phòng.
Những chủ trương, chính sách này là những "đòn bẩy" để kinh tế Hải Phòng tiếp tục đột phá, phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, thúc đẩy ngành dịch vụ cảng biển và du lịch của thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, thành phố Hải Phòng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch biển, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nói chung và kết cấu cảng biển nói riêng nhằm phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.