Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội về việc chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức trong xã hội

09/08/2019 | 16:51

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019, nội dung kiến nghị như sau:

1. Cử tri cho rằng hiện nay đáng báo động tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức trong xã hội. Đề nghị nghiên cứu ban hành đạo luật về lĩnh vực này hoặc đề nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh nhằm chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống (Câu số 11).

2. Cử tri cho rằng, hiện nay các ca khúc viết cho thiếu nhi rất ít, trong các cuộc thi hát cho thiếu nhi các cháu thường sử dụng các ca khúc dành cho người lớn. Đề nghị có các giải pháp khuyến khích các nhạc sỹ sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi (Câu số 12).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số: 3029/BVHTTDL-VP Hà Nội, ngày 2 tháng 08 năm 2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về đề nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh nhằm chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống

Việc ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trước hết là tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện các luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống.

- Đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân, lành mạnh hóa lối sống. Lấy môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú đẩy lùi nguy cơ con người sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa về đạo đức, lối sống.

- Nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 về "Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang"... Qua đó, tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để khuyến khích, xây dựng lối sống, nếp sống, giải quyết các vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị.

- Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử: Đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống: Tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa di sản văn hóa vào trường học, triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... triển khai các Chương trình phối hợp trong xây dựng đạo đức, lối sống trong các lĩnh vực, địa bàn công tác có liên quan. Phát huy hiệu quả phối hợp giáo dục của 3 môi trường "gia đình - nhà trường - xã hội". Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"; "Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến 2020"; "Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016 - 2020"; "Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020"; "Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020"...

- Tiếp tục thí điểm thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp...

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm: Kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.

2. Về đề nghị có các giải pháp khuyến khích các nhạc sỹ sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi

Hiện nay, nguồn các tác phẩm nghệ thuật dành cho thanh thiếu niên còn hạn chế, chưa cập nhật được những yếu tố hiện đại hồn nhiên trong ngôn ngữ âm nhạc, ca từ để phù hợp với nhu cầu của tuổi trẻ nên chưa đủ sức hấp dẫn một cách tự nhiên cho lớp trẻ tiếp cận.

Nguyên nhân thiếu vắng các tác phẩm âm nhạc hay dành cho thiếu nhi là do tư duy và năng lực thẩm mỹ về văn học của người sáng tác, một phần do tác giả không đầu tư công sức để tìm hiểu tâm lý lứa tuổi các em. Nhiều nhạc sỹ có sáng tác mới nhưng lại theo nếp cũ, tư duy cũ nên các em không thích nghe. Mặt khác, số nhạc sỹ viết nhạc cho thiếu nhi ngày càng hiếm; những tác giả thành danh tuổi đã cao, sức yếu; lực lượng nhạc sỹ trẻ có tài hiện nay ít quan tâm đến viết nhạc cho trẻ em, bởi vừa khó viết, cơ chế nhuận bút thấp, vừa khó nổi tiếng, thiếu sân chơi giới thiệu sáng tác mới. Trong khi đó, nhiều nhạc sỹ có bài hát thiếu kinh phí dàn dựng, tác phẩm không có cơ hội đến với khán giả.

Để khuyến khích các nhạc sỹ sáng tác các ca khúc hay cho thiếu nhi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang thực hiện các giải pháp sau:

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án phát triển âm nhạc và một số loại hình nghệ thuật biểu diễn dành cho tuổi trẻ.

- Tổ chức các cuộc thi sáng tác và đầu tư đặt hàng văn nghệ sỹ sáng tạo tác phẩm cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

- Đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khi trẻ em tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính và phải được sự đồng ý của người giám hộ.

- Tổ chức các kỳ liên hoan nghệ thuật chuyên đề cho tuổi trẻ trên phạm vi toàn quốc, theo đó lựa chọn và xây dựng những tấm gương điển hình trong hoạt động nghệ thuật đối với tuổi trẻ.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đặc biệt là các chương trình, tiết mục dành cho trẻ em.

- Phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tăng cường tuyên truyền, định hướng, nghiên cứu lý luận, phê bình trong sáng tác, biểu diễn các ca khúc cho thiếu nhi để ngày càng nhiều những tác phẩm âm nhạc đích thực, giàu bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn phù hợp với độ tuổi của các em thiếu nhi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Cổng TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×