Trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Nam về đề nghị có chính sách ưu tiên tập trung phát triển, phục hồi kinh tế du lịch và giải pháp chấn chỉnh, nâng cao nhận thức và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.
03/09/2022 | 15:00Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Đề nghị có giải pháp thiết thực, có chính sách ưu tiên tập trung phát triển, phục hồi kinh tế du lịch.
2. Mặc dù đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng hiện nay vấn nạn bạo lực gia đình vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong toàn xã hội với số vụ việc và mức độ bạo hành ngày càng gia tăng. Đề nghị có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao nhận thức và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 2991/BVHTTDL-VP ngày 10/08/2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV như sau:
1. Về đề nghị có chính sách ưu tiên tập trung phát triển, phục hồi kinh tế du lịch
Thời gian qua, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách ưu tiên phục hồi, phát triển du lịch, cụ thể:
* Chính sách về thuế, phí
- Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 (Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ). - Giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong năm 2022 (Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).
- Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023 (Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành).
- Giảm 50% phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết 30/6/2022 (Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 2 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).
- Từ năm 2022, Công đoàn cơ sở sẽ được giữ lại 75% kinh phí Công đoàn mà công ty đã đóng, thay vì chỉ được giữ lại 71% như năm 2021 (Quyết định 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại Công đoàn cơ sở).
* Chính sách về tín dụng
- Miễn, giảm lãi vay đến hết tháng 6 năm 2022 (Thông tư số 14/2021/TTNHNN ngày 07/9/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).
- Hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó, hỗ trợ lãi suất 2%/năm (Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ). - Hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay (Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ).
* Chính sách an sinh xã hội
- Tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội (Công điện số 431/CĐ-TTg ngày 19/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực, chỉ đạo triển khai các giải pháp phục hồi phát triển du lịch, cụ thể:
- Triển khai có hiệu quả Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19". Đồng thời hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động, sự kiện phát động mở cửa lại thị trường du lịch. - Triển khai hiệu quả các nội dung về phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Tập trung chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp đầu tư "làm mới" du lịch trên các yếu tố về quảng bá xúc tiến, truyền thông, sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, chuyển đổi số: + Tăng cường hoạt động truyền thông để các thị trường có đầy đủ thông tin về chính sách mở cửa, yêu cầu đối với khách quốc tế đi du lịch Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện du lịch một số nước tại Việt Nam và qua các kênh truyền thông quốc tế lớn.
+ Nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến: đầu tư điểm đến đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ… với mục tiêu mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn. 3
+ Hỗ trợ để có sự liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không tạo các sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm phù hợp với thị trường, đẩy mạnh phát triển, khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19.
+ Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dành kinh phí cho hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Thông tư số 12/2022/TT-BTC đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 22/02/2022 hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có quy định nội dung về Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. (Hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động nghề du lịch).
+ Thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch.
Thông qua việc thực hiện một số chính sách ưu tiên giải pháp phục hồi, phát triển du lịch nói trên, ngành du lịch 7 tháng vừa qua bước đầu đã ghi nhận kết quả phục hồi tích cực. Toàn ngành đã phục vụ được 71,8 triệu lượt khách nội địa (vượt chỉ tiêu đón 60 triệu khách đặt ra từ đầu năm) và 733.400 khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 316 nghìn tỷ đồng. Hơn 80% doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch đã trở lại thị trường, tình hình hoạt động du lịch đang sôi động trở lại. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như tái cơ cấu lại thị trường khách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thị thực, xúc tiến quảng bá du lịch…
2. Về đề nghị có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao nhận thức và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình
Thời gian qua, cùng với việc xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, quy định về mức phạt tiền đối với lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đã tăng lên mức tối đa đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được xây dựng dựa trên cách tiếp cận về quyền con người, bảo đảm quyền con người nhằm đáp ứng những yêu cầu về phòng, chống bạo lực gia đình trong thực tiễn và khắc phục những bất 4 cập trong các quy định của Luật hiện hành. Dự thảo đã bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; xác định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 35 của Dự thảo. Ngoài ra, Dự thảo còn quy định các biện pháp cấm tiếp xúc, yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24) và quy định các biện pháp cộng đồng nhằm hỗ trợ xử lý các hành vi bạo lực gia đình, như "Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư" (Điều 32); "Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" (Điều 33). Các quy định nêu trên đã thể hiện tính nghiêm minh về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đìn nói chung, trong đó có bạo lực gia đình đối với trẻ em. Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 3, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.
Để tiếp tục ngăn ngừa bạo lực gia đình, tăng cường trách nhiệm trong xử lý các vụ bạo lực gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 về "Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình"; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để trả lời cử tri.