Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

TP Đà Nẵng: Để di tích, di sản trở thành sản phẩm du lịch

28/12/2021 | 08:21

Di tích, di sản là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút riêng cho mỗi địa phương và mỗi điểm đến du lịch. Đà Nẵng từng bước xây dựng được thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa; nhiều di tích, di sản văn hóa đã trở thành điểm đến, biểu tượng du lịch của thành phố...

TP Đà Nẵng: Để di tích, di sản trở thành sản phẩm du lịch - Ảnh 1.

Người dân, du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

Đà Nẵng hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố và 6 bảo vật, 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản quốc gia. Các di tích, di sản này đang được tập trung quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và quảng bá.

Tạo điểm đến hấp dẫn

Theo Ban quản lý (BQL) khu di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu, các công trình văn hóa - du lịch, các công trình phụ trợ được tập trung thực hiện hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng BQL khu di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, BQL tập trung đẩy mạnh việc chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại di tích, chú trọng giữ gìn môi trường văn hóa du lịch tại khu danh thắng, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, BQL nỗ lực bằng nhiều kênh quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện đến du khách, đợi ngày du lịch hoạt động trở lại. Cũng theo ông Hiền, danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn với những nét văn hóa, tâm linh độc đáo nên trong quá trình khai thác, bảo tồn rất thuận lợi bởi người dân chung tay giữ gìn, bảo vệ.

Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực đưa các điểm di tích, danh lam thắng cảnh vào tour, tuyến, điểm du lịch của các đơn vị khai thác lữ hành để thu hút khách du lịch. Hằng năm (thời điểm trước dịch), Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón hơn 350.000 lượt khách, Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 2 triệu lượt khách tham quan. Ngoài ra, các điểm đến mới như Bảo tàng Đà Nẵng, Thành Điện Hải, Hải Vân Quan… đang dần được người dân, du khách biết đến rộng rãi.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, di tích, di sản là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút riêng cho mỗi địa phương và mỗi điểm đến du lịch. Đà Nẵng từng bước xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa; nhiều di tích, di sản văn hóa đã trở thành điểm đến, biểu tượng du lịch của thành phố. Không những thế, các hoạt động văn hóa, các di sản phi vật thể như: hô hát bài chòi, tuồng xuống phố, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, lễ hội Cầu ngư… cũng đang phát huy giá trị, dần lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Thời gian tới, để di tích, di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, Sở Du lịch sẽ nỗ lực liên kết, tạo ra thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ du khách; đồng thời tuyên truyền để người dân chung tay gìn giữ, phát huy giá trị di tích, di sản.

Mỗi người dân là một đại sứ di sản

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, để phát huy giá trị di tích, di sản, mỗi người dân phải là một đại sứ cho di sản văn hóa đó. Muốn vậy, các cấp, các ngành, các địa phương phải nâng cao công tác tuyên truyền, xây dựng trong mỗi người dân ý thức bảo tồn các giá trị di tích, di sản. Cùng với đó, các địa phương phải tạo ra nhiều hoạt động lễ hội, giải trí, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng ngay tại các di tích, di sản để người dân, du khách biết đến và tham gia.

TP Đà Nẵng: Để di tích, di sản trở thành sản phẩm du lịch - Ảnh 2.

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các địa phương các lý lịch hồ sơ liên quan đến di tích, di sản văn hóa lịch sử, các thông tin phục vụ cho công tác hướng dẫn, thuyết minh tại các địa điểm. Các địa phương cũng cần tạo được cho di tích, di sản trên địa bàn quản lý ít nhất một sản phẩm văn hóa có bản sắc. Phải làm sao, khi du khách đến tham quan di tích, di sản, họ không chỉ tìm hiểu, ngắm cảnh mà còn muốn nghe các câu chuyện, tham gia cùng người dân địa phương tại các lễ hội, sự kiện hay thưởng thức ẩm thực ngay trên chính khu di tích đó. Có vậy mới thu hút và níu chân du khách", ông Thiện nhìn nhận.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết: Sở Văn hóa và Thể thao đang xây dựng đề án bảo tồn phát triển hệ thống di tích nhằm bảo đảm 100% số di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp thành phố được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Song song đó, đẩy nhanh việc kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn để có cơ sở phân loại, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị; làm việc với các ngành liên quan để làm các bảng hiệu chỉ dẫn di tích, đầu tư hạ tầng chiếu sáng góp phần làm đẹp di tích, danh thắng...

"Chúng tôi cho rằng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là việc làm của cơ quan Nhà nước mà còn là sự chung tay, tham gia của cả cộng đồng. Có như vậy, di tích, di sản mới có sức sống lâu bền", ông Hà Vỹ chia sẻ.

Ông Hà Vỹ cũng cho rằng, trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phải được gắn với quyền lợi hưởng thụ các giá trị di sản. Chỉ khi người dân là chủ thể nắm giữ di sản thì việc trải nghiệm sẽ giúp họ hiểu rõ, quý trọng, từ đó mới bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền nhiều hơn về giá trị của di tích, di sản để người dân quan tâm gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích, di sản./.

Theo Báo Đà Nẵng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×