Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

13/08/2020 | 09:49

Tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Ban hành Đề án "Tăng cường công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình"; Hà Giang phát triển đa dạng các phương thức phục vụ tại chỗ và trực tuyến trong hệ thống thư viện là những thông tin văn hóa, gia đình đáng chú ý.

Tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Báo cáo Tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trong những năm qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ theo lĩnh vực chuyên môn đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, có các giải pháp phù hợp triển khai thực hiện các nội dung về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).

Tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: giadinh.net.vn

Trong đó, Sở VHTTDL đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác gia đình; hàng năm hướng dẫn các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện các hoạt động tuyên truyền ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và ngày Gia đình Việt Nam 28/6…; tổ chức triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam; biên soạn, cấp phát các tài liệu hướng dẫn và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng can thiệp, hỗ trợ về PCBLGĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở.

Các sở, ngành, đơn vị khác trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt chú trọng tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác gia đình; PCBLGĐ.

Đến năm 2020, Tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ đạt 87%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 100%.

UBND tỉnh đã đề xuất một số giải pháp xây dựng chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và đoàn thể đối với công tác PCBLGĐ; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCBLGĐ bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về lĩnh vực này; cung cấp các loại tài liệu tuyên truyền về gia đình, PCBLGĐ như: tờ gấp, đĩa VCD, sách, báo... đến các cơ sở xã, phường, thị trấn, Mô hình PCBLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh; Xây dựng các chính sách, chế độ phụ cấp cho đội ngũ công tác viên, tình nguyện viên, người trực tiếp giải quyết công tác PCBLGĐ tại cộng đồng dân cư; những địa chỉ tin cậy ở cơ sở.

Ban hành Đề án "Tăng cường công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình"

Ngày 11/8/2020, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1820/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án "Tăng cường công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình".

Theo đó, Đề án tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về gia đình, trẻ em; Chương trình giáo dục đời sống gia đình; về phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc; vấn đề bình đẳng giới; công tác bảo vệ trẻ em; công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em từ tỉnh tới các địa phương, cơ sở.

Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó ưu tiên công tác chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho các điểm nóng về vấn đề có liên quan đến hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực, xâm hại trẻ em.

Mục tiêu của Đề án là huy động các cấp, các ngành cơ quan truyền thông đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về nội dung giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác gia đình trong đời sống xã hội; Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Trang bị kỹ năng cho gia đình và trẻ em về giữ gìn hạnh phúc gia đình và tự phòng ngừa các hành vi xâm hại.

Hà Giang: Phát triển đa dạng các phương thức phục vụ tại chỗ và trực tuyến trong hệ thống thư viện

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện, Sở VHTTDL đã đưa ra nhiều giải pháp.

Cụ thể, Sở VHTTDL sẽ chủ động tham mưu xây dựng "Quy hoạch phát triển mạng lưới thư viện tỉnh Hà Giang đến năm 2025 và định hướng năm 2030"; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động thư viện, nâng cao hiệu quả công việc.

Đầu tư nâng cấp không gian các phòng bạn đọc tạo môi trường thân thiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc sử dụng thư viện; Phát triển đa dạng các phương thức phục vụ tại chỗ và trực tuyến. Nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thống, tổ chức các kho mở cho phép người đọc tự tìm chọn tài liệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chủ động triển khai nhiều dịch vụ mới, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các khâu trong hoạt động thư viện, tạo sự liên thông với các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng trên toàn quốc.

Tăng cường vốn tài liệu và nguồn lực thông tin đáp ứng nhu cầu thông tin học tập, giải trí của bạn đọc qua việc bổ sung sách, báo các kho, nâng cao chất lượng vốn tài liệu. Bổ sung các dạng tài liệu điện tử, tài liệu số để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc.

Cùng với việc sử dụng tài liệu truyền thống, cần tăng cường kết nối Internet để phục vụ việc học tập, nghiên cứu, thông tin và giải trí cho người sử dụng. Phát triển theo hướng xây dựng thư viện truyền thống - thư viện hiện đại - thư viện số, tăng cường phát triển nguồn tài liệu số và các bộ sưu tập thông tin tra cứu, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ thông tin đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Bên cạnh đó, sẽ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ viên chức thư viện đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của thư viện hiện đại. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình triển khai tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền giới thiệu sách tại Thư viện tỉnh; Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động thư viện, vận động, khuyến khích thành lập mô hình tủ sách gia đình, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng,…

Hằng Đinh (T/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×