Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: “Sẽ lắng nghe các ý kiến một cách bình tĩnh, khách quan, cầu thị về quy hoạch Sơn Trà”

29/05/2017 | 10:58

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà – Đà Nẵng, đặc biệt là khi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét lại Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà – Đà Nẵng.

Cổng TTĐT Bộ VHTTDL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) liên quan đến bản Quy hoạch này.

-Xin ông cho biết, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà xuất phát từ đâu?


+Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà xuất phát từ yêu cầu lập ra một quy hoạch định hướng để quản lý bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị tài nguyên sinh thái đặc biệt của khu vực này và xuất phát từ chính yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng. Quy hoạch này do UBND TP Đà Nẵng cùng với Bộ VHTTDL đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2016.


Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được triển khai trên bối cảnh khu vực Sơn Trà đã xuất hiện nhiều dự án đầu tư và thực tế quy hoạch này được xây dựng để khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, thiếu khoa học và thiếu cơ sở pháp lý tại khu vực này.

-Vậy định hướng quan trọng nhất là quy hoạch hướng tới là gì, thưa ông?

+ Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà xác định những định hướng rất cơ bản, làm căn cứ pháp lý và định hướng cho việc quản lý, đầu tư phát triển khu du lịch này. Định hướng quan trọng nhất mà Quy hoạch xác định là phát triển Sơn Trà trở thành một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh chất lượng cao, hướng tới thị trường có khả năng chi tiêu cao. Trong đó, lấy việc bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên sinh thái và môi trường làm điều kiện và cơ sở để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.

Như vậy, có thể nói rằng, việc bảo tồn môi trường, đa dạng sinh học, tài nguyên sinh thái của khu vực Sơn Trà là định hướng quan trọng, làm cơ sở cho việc phát triển. Những định hướng về phân khu chức năng là chỉ xác định đầu tư một số dự án nghỉ dưỡng, dự án về hạ tầng cơ sở, dự án giới thiệu thuyết minh để du khách tiếp cận các giá trị của khu du lịch Sơn Trà được triển khai một cách khoa học. Đặc biệt, các khu nghỉ dưỡng được triển khai từ dưới cos 200, tại một số vị trí là rừng nghèo không có giá trị về mặt sinh thái, môi trường. Những nơi là rừng đặc dụng, có giá trị cần phải bảo tồn thì hết sức được coi trọng và được bảo tồn nghiêm ngặt.

Nếu chúng ta tìm hiểu sâu về quy hoạch thì sẽ thấy rằng điều này rất được coi trọng trong quy hoạch và không bị mâu thuẫn với những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và một số nhà nghiên cứu.

-Xin ông cho biết, trong quá trình xây dựng Quy hoạch này, vai trò của UBND TP Đà Nẵng như thế nào?

+ Trong quá trình thực hiện xây dựng quy hoạch, từ việc khảo sát, nghiên cứu, đề xuất ý tưởng, thảo luận và xây dựng dự thảo quy hoạch, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP Đà Nẵng. Bộ VHTTDL đã giao cho Tổng cục Du lịch, trực tiếp là Viện Nghiên cứu và phát triển Du lịch, làm việc nhiều lần với TP Đà Nẵng, với sự tham gia của các cơ quan, ban  ngành trong suốt các khâu, các quy trình để đề xuất, tham gia quy hoạch này.
Sau khi có sự thống nhất giữa TP Đà Nẵng và Bộ VHTTDL, Bộ VHTTDL đã lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành có liên quan và họp Hội đồng thẩm định cấp Bộ với sự tham gia của đại diện một số bộ ngành, đại diện các cơ quan của UBND Tp Đà Nẵng, một số nhà quản lý và nhà nghiên cứu. Sau đó, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, Hội đồng thẩm định và hoàn thiện quy hoạch, đề xuất để Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, trong trách nhiệm tham gia xây dựng và đề xuất quy hoạch, TP Đà Nẵng luôn đồng hành cùng Bộ VHTTDL và cùng với Bộ trình Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến về quy hoạch, UBND Tp Đà Nẵng đã mời rộng rãi các cơ quan ban ngành, trong đó có đại diện Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 tham dự, đề xuất ý kiến và đã nhận được sự đồng thuận cao sau một quá trình thảo luận và thống nhất. Ở đây, chúng tôi lưu ý một vấn đề là, phạm vi quy mô của các dự án mà Tp Đà Nẵng đã đề xuất trước đây, trong đó một số dự án đã đi vào thực hiện, lớn hơn rất nhiều so với quy mô mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch.

-Một số dự án đang được triển khai trong khu vực Sơn Trà mà dư luận cho rằng vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề xây dựng đầu tư và bảo vệ môi trường có liên quan gì đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thưa ông?

+ Chúng tôi xin nói ngay rằng đây là những vấn đề nằm ngoài phạm vi quy hoạch. Vì Quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2016. Đến tháng 2/2017, Bộ VHTTDL và UBND TP Đà Nẵng mới tổ chức công bố quy hoạch này. Nhưng những dự án nói trên đã được UBND Tp Đà Nẵng cấp phép đầu tư và triển khai từ trước đó rất lâu. Đây là vấn đề thuộc về quản lý đầu tư xây dựng, chứ không phải vấn đề thực hiện quy hoạch vì nó đã diễn ra trước khi quy hoạch được phê duyệt. Bản thân chúng tôi làm du lịch cũng rất bức xúc trước những hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, cũng như bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh thái và môi trường.

-Vậy trước những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chúng ta có nên xem xét và tính đến việc điều chỉnh Quy hoạch hay không, thưa ông?

+ Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà có tính chất tổng thể, định hướng. Sau khi Quy hoạch này được công bố và có hiệu lực pháp lý, Tp Đà Nẵng cần tập trung tiếp tục xây dựng và cụ thể hóa quy hoạch bằng những quy hoạch chi tiết và nghiên cứu để phê duyệt và cho phép triển khai các dự án một cách khoa học, phù hợp với định hướng của quy hoạch tổng thể.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện quy hoạch, chúng ta sẽ rà soát và căn cứ về yêu cầu phát triển, nếu thấy cần thiết có thể điều chỉnh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần phải được xem xét một cách khoa học và thực hiện theo quy trình như chúng ta đã tổ chức xây dựng và triển khai lập quy hoạch. Và chỉ có Thủ tướng chính phủ mới có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTTDL và TP Đà Nẵng.

-Vậy, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến vấn đề này, tới đây, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL sẽ làm gì để Quy hoạch nhận được sự đồng thuận cao của dư luận?

+ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố. Hiện nay, việc triển khai thực quy hoạch cần được tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo quan điểm chỉ đạo và các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian vừa qua, có ý kiến kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và một số tổ chức, nhà nghiên cứu, chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo chúng tôi cần nghiên cứu, lắng nghe, để tiếp thu các ý kiến đó một cách cầu thị, khoa học và khách quan.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Bộ VHTTDL tổ chức một cuộc tọa đàm với sự tham gia của các cơ quan của Bộ VHTTDL, TP Đà Nẵng và một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức công khai để cơ quan báo chí tham dự. Tọa đàm sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý một cách cầu thị, tiếp thu và xem xét khách quan, khoa học với định hướng ưu tiên bảo tồn tài nguyên sinh thái và môi trường của khu du lịch Sơn Trà. Thậm chí, nếu cần thiết, sẽ xem xét nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng chuẩn bị cho công việc này và sẽ tổ chức tọa đàm trong thời gian sớm nhất.


Quan điểm của chúng tôi là lắng nghe các ý kiến một cách bình tĩnh, khách quan, khoa học, cầu thị. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý việc bảo tồn, sinh thái, tài nguyên môi trường, các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên phải luôn luôn đi đôi với phát triển. Chúng ta bảo tồn để phát triển, bảo tồn để mang lại những lợi ích cho cuộc sống, cho con người và không nên nhìn nhận vấn đề một cách cực đoan. Đó là định hướng mà các tổ chức quốc tế như UNESCO luôn khuyến nghị các quốc gia thực hiện, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn định hướng quá trình bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, sinh thái, môi trường đi đôi với phát triển để đem lại nguồn lực, giá cho cuộc sống, cho môi trường./.

-Xin cảm ơn ông!

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×