Tổng cục TDTT tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột phá năm 2012 trong lĩnh vực TDTT
31/05/2012 | 00:36Theo đó, trong 19 nhiệm vụ đột phá của Bộ VHTTDL, có 2 nhiệm vụ trong lĩnh vực TDTT, đó là: Đầu tư chiều sâu cho các môn thể thao trọng điểm để nâng cao thành tích tại Thế vận hội Luân Đôn 2012 và Ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm chế tài xử phạt và các giải pháp quản lý, tổ chức để từng bước hạn chế có hiệu quả tình trạng bạo lực trong Bóng đá.
Theo đó, trong 19 nhiệm vụ đột phá của Bộ VHTTDL, có 2 nhiệm vụ trong lĩnh vực TDTT, đó là: Đầu tư chiều sâu cho các môn thể thao trọng điểm để nâng cao thành tích tại Thế vận hội Luân Đôn 2012 và Ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm chế tài xử phạt và các giải pháp quản lý, tổ chức để từng bước hạn chế có hiệu quả tình trạng bạo lực trong Bóng đá.
Cho đến thời điểm hiện tại, Tổng cục TDTT đã tiến hành để chuẩn bị lực lượng VĐV nhằm đạt thành tích tốt nhất tại Olympic Luân Đôn 2012. Tổng cục TDTT đã triệu tập 173 VĐV, 49 HLV, 07 Bác sỹ, thuê 10 chuyên gia của 13 môn: Bắn súng, Thể dục, Cử tạ, Điền kinh, Bơi, Bóng bàn, Cầu lông, Đua thuyền, Vật, Taekwondo, Judo, Quyền anh, Đấu kiếm tập huấn tại 3 Trung tấm huấn luyện thể thao quốc gia: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Trong quá trình tập huấn, để tạo điều kiện cho các VĐV nâng cao thành tích trên cơ sở được thi đấu với các đối thủ mạnh, tiếp cận với kinh nghiệm, phương pháp huấn luyện, điều kiện trang thiết bị hiện đại, Tổng cục TDTT đã cử 122 VĐV, 30 HLV, 05 chuyên gia đi tập huấn tại các nước có nền thể thao phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Nga, Mỹ,...; cử 121 lượt VĐV, 53 lượt HLV, 03 chuyên gia đi tham dự các giải thi đấu nước ngoài trong hệ thống Olympic.
Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra tình hình tập huấn của các đội tuyển, chỉ đạo các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các đội tuyển trong quá trình tập huấn như: cung cấp thuốc bổ, thực phẩm dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, hồi phục và chữa trị chấn thương cho VĐV; tăng tiền ăn; cung cấp đầy đủ, kịp thời trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho các VĐV tham dự vòng loại và đạt chuẩn chính thức tham dự Olympic.
Tính đến nay, thể thao Việt Nam đã có 14 VĐV giành suất chính thức tham dự Olympic Luân Đôn 2012 ở các môn: Bắn súng (02 VĐV), Thể dục (03 VĐV), Taekwondo (02 VĐV), Judo (01 VĐV), Vật (01 VĐV), Đấu kiếm (01 VĐV), Đua thuyền (02 VĐV), Cử tạ (01 VĐV), Cầu lông (01 VĐV) và 03 VĐV đạt chuẩn B tham dự Olympic ở các môn Bơi lội, Điền kinh.
Riêng nhiệm vụ Ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm chế tài xử phạt và các giải pháp quản lý, tổ chức để từng bước hạn chế có hiệu quả tình trạng bạo lực Bóng đá, trong thời gian qua, Tổng cục TDTT đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bóng đá, thành lập Tổ công tác chuyên trách về hoạt động bóng đá do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT trực tiếp điều hành.
Ngoài ra, Tổng cục TDTT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong quá trình điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp để kịp thời xử lý các hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động thi đấu bóng đá, bước đầu hạn chế tình trạng bạo lực trong thi đấu Bóng đá. Điển hình như vụ hành hung trọng tài Võ Minh Trí mới xảy ra gần đây, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng đã có văn bản chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá và Công ty VPF làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân có hành vi vi phạm.
Song song với đó, được sự uỷ quyền của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT đã ban hành Quyết định số 501/QĐ-TCTDTT phê duyệt Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp nhằm tiếp tục nâng cao trình độ quản lý, điều hành các hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức Bóng đá có liên quan. Hiện, Tổng cục TDTT cũng đang khẩn trưởng hoàn thiện Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo tdtt.gov.vn