Tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
11/11/2022 | 15:03Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sáng 11/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức buổi họp báo thông tin về Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam và Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất năm 2022. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì buổi họp báo.
Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" là các hoạt động thiết thực chào mừng Ngày truyền thống Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Thông qua đó tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Sự kiện cũng nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời tái hiện, giới thiệu các hoạt động của đồng bào dân tộc tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam là sự kiện diễn ra thường niên, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chú ý của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 18/11 đến ngày 23/11.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, trong Tuần Đại đoàn kết các dân tộc năm nay, sẽ có nhiều hoạt động được lồng ghép với các hoạt động nghệ thuật, đây là hoạt động phản ánh một cách đầy đủ nét đặc trưng về đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để chúng ta tôn vinh, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Các hoạt động chính trong Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 bao gồm: Chương trình khai mạc (diễn ra vào 20h ngày 18/11); Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18/11); Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất năm 2022 (bắt đầu từ 18/11); Tổ chức Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022 (từ 18 đến 23/11) và Tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc (bắt đầu từ ngày 19/11).
Tại buổi họp báo, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, Chương trình khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam và Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất, năm 2022 có tên gọi là chính thức là "Khát vọng Việt Nam", toát lên tinh thần tôn vinh di sản văn hóa và đại đoàn kết toàn dân tộc.
Toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Sân khấu được thiết kế theo hình chiếc quạt, đây là một hình ảnh không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam, tất cả các nan quạt chụm về một phía tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ đó cũng có thể liên tưởng đến hình ảnh những cánh buồm đưa đất nước ra biển lớn.
Sẽ có 4 sân khấu nhỏ trên tổng thể sân khấu lớn để các diễn viên, nghệ sỹ, nghệ nhân cùng đồng diễn. Đó là sân khấu đảo, sân khấu mặt nước, sân khấu đường pitch và sân khấu là cầu nối từ sân khấu đường pitch và sân khấu đảo. Như vậy công chúng sẽ được thưởng thức nghệ thuật trên nhiều mặt sân khấu. Sẽ có 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia biểu diễn. Phần trình diễn các trang phục truyền thống sẽ được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật.
Thông tin về Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất, năm 2022, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết Liên hoan có chủ đề "Sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển ", do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trì, phối hợp với 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Liên hoan diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/11 với sự tham gia của các Nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh), đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, liên hoan là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch; Khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Liên hoan cũng nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc khu vực phía Bắc trong nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Các hoạt động của Liên hoan được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết và được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.