Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tọa đàm về cuốn sách Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh

21/04/2016 | 10:47

Chiều ngày 19.4.2016, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về cuốn sách Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà do Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp với nhà sách Tân Việt tổ chức.

Đến dự buổi tọa đàm có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Bộ VHTTDL, Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ VHTTDL, đặc biệt là sự có mặt của các diễn giả, thân nhân, những người thân thiết, gần gũi với các nhân vật được giới thiệu trong cuốn sách. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà sách Tân Việt, các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các thư viện trong cả nước, các thầy cô giáo và hơn 200 học sinh, sinh viên các trường Đại học lớn trên địa bàn Hà Nội.
 

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm với mục đích giới thiệu, tạo cơ hội cho bạn đọc hiểu thêm về cuốn sách và tác giả, giúp bạn đọc có được những hiểu biết sâu sắc hơn về những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh, qua đó có thể học tập và làm theo, góp phần lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Cuốn sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện là một tác phẩm viết về tấm gương ham đọc sách và tự học của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những nhân vật lỗi lạc, những đại diện tiêu biểu cho các lĩnh vực khoa học khác nhau của Việt Nam – những người đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình khoa học có giá trị như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng và Hoàng Tụy.  
 
Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện trao đổi tại tọa đàm

Trao đổi tại buổi tọa đàm, Bà Vũ Dương Thúy Ngà - tác giả cuốn sách xúc động chia sẻ: Trong quá trình tìm hiểu về Bác Hồ và những nhân vật được đề cập trong cuốn sách tác giả nhận thấy điểm chung ở những nhân vật lỗi lạc chính là không ngừng đọc và tự học. Tuy nhiên những tư liệu viết cụ thể việc họ đã đọc như thế nào? họ đã đọc những gì? Và họ tự học ra làm sao? thì rất ít và rất là tản mạn. Chính vì thế bà đã dày công tìm hiểu và hệ thống hóa các tư liệu, giới thiệu phương pháp đọc và tự học của những con người lỗi lạc này nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng quan và áp dụng phù hợp với công việc, lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Cuốn sách là kết quả của quá trình hơn chục năm tìm hiểu các tư liệu liên quan đến đọc sách và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ba năm tìm hiểu về các tấm gương đọc và tự học thời đại Hồ Chí Minh. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những tấm gương sáng để cùng soi chung. Soi để học, học để hành, mỗi người sẽ học được cách nuôi dưỡng và phát triển năng lực tự học qua sách báo, tư liệu, khả năng tư duy sáng tạo, làm cho cuộc sống của mình, của cộng đồng và của dân tộc trở nên tốt đẹp hơn.

Thông qua buổi tọa đàm, tác giả bày tỏ lòng biết ơn thế hệ đi trước đã để lại những bài học vô cùng đáng quý, biết ơn những người bạn, đồng nghiệp, những thân nhân của những nhân vật được đề cập đến trong cuốn sách này đã đã cung cấp những tư liệu hết sức quý báu, luôn động viên, tạo nguồn động lực để cho bà hoàn thành cuốn sách. Tác giả cũng mong muốn sẽ có nhiều người cùng chung tay “khơi nguồn và hun đúc thêm truyền thống hiếu học, ham đọc sách và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam gắn với sự phát triển trường tồn của Dân tộc và Đất nước”.

Với các trao đổi diễn ra tại buổi tọa đàm, tác giả và các diễn giả đều chung quan điểm như trong trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bìa cuối cuốn sách là: “Đọc sách phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách”. Nghĩa là đọc sách là đọc tư tưởng của sách, ứng dụng so sánh với thực tiễn, phải có tính tự do sáng tạo chứ không giáo điều, máy móc.

Phát hành đúng thời điểm kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam - ngày 21.4, cuốn sách Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh là một công trình nghiên cứu giàu ý nghĩa trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ không ngừng phát triển đặc biệt là đối với giới trẻ. Cuốn sách góp phần nâng cao khả năng tự học, đẩy mạnh việc học tập suốt đời để phát triển trí tuệ, hình thành nên những con người có nhân cách, có lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận tri thức, nâng cao kỹ năng làm việc để có thể thích nghi, thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại, những bài học rút ra từ những tấm gương ham đọc sách và tự học rất đáng để mỗi người tìm đọc, suy ngẫm áp dụng, học tập, làm theo, học không ngừng để trở thành những con người thông thái, giúp cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc thông thái như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×