Gia đình

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong toàn ngành giáo dục

11/07/2025 | 10:55

Ngay sau khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đã tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung của Luật trong toàn ngành.

Theo đó, Bộ GDĐT đã quán triệt về trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường trong phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại cơ sở giáo dục với chủ đề truyền thông "Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương" năm 2024 và "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng" năm 2025 và sẵn sàng tiếp nhận, phát hiện, hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình.

Việc triển khai quán triệt, tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều giải pháp, hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tập huấn đối trong các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường để trao đổi, phát hiện nhằm duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó, can thiệp đối với bạo lực nói chung và với bạo lực gia đình nói riêng; lựa chọn các thông điệp truyền thông phù hợp với cơ quan, đơn vị và đối tượng được truyền thông.

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học; hướng dẫn cơ sở giáo dục tiếp nhận, phát hiện, hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình.

Với sự chung tay vào cuộc từ trung ương đến địa phương và nhà trường, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và hoạt động tuyên truyền về phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, học liệu, đồ chơi cho trẻ em ngày càng được bảo đảm; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông được các địa phương quan tâm; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể theo, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống được quan tâm ở hầu hết các nhà trường; công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội, phát triển mô hình, tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ sở thích, năng khiếu đã được thực hiện thường xuyên ở các nhà trường; các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, an toàn giao thông, bạo lực học đường dần đi vào nền nếp.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực gia đình nói riêng là chủ trương luôn được các cấp, các ngành, các địa phương, toàn bộ hệ thống các cơ sở giáo dục và xã hội đồng tình, ủng hộ nên việc triển khai thực hiện được học sinh, gia đình học sinh, chính quyền, tổ chức đoàn thể hưởng ứng, tham gia tích cực và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua. Hệ thống văn bản quy phạm, văn bản chỉ đạo đã chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình. Thông qua việc triển khai thực hiện, môi trường giáo dục ở trong và ngoài nhà trường được cải thiện rõ rệt.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, Bộ GDĐT sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục tích cực, thu hút học sinh tham gia; Triển khai tổ chức buổi học thứ hai trong trường học ngay từ năm học 2025- 2026 tùy theo điều kiện từng địa phương và không thu phí để tăng cường quản lý học sinh, thu hút học sinh vào các hoạt động lành mạnh, phát triển toàn diện; Chú trọng bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giáo dục tích cực, kỹ năng hỗ trợ học sinh trong các vấn đề tâm lý và hành vi; Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng công tác này với các nội dung cụ thể, hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh; Tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện đầy đủ, thực chất các quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh; tiếp tục triển khai và đánh giá hiệu quả đề án "Trường học hạnh phúc" và các mô hình phù hợp góp phần bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tăng cường chuyển đổi số góp phần cung cấp thông tin, bản đồ số về công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường. Đặc biệt, tăng cường phối hợp với cơ quan văn hóa, thể thao và du lịch, cơ quan thông tin và truyền thông, cơ quan công an nhằm xử lý, gỡ bỏ, hạn chế các tác động tiêu cực từ các trò chơi trực tuyến, phim ảnh, clip, các trang mạng xã hội phản cảm, có nội dung bạo lực đến trẻ em và học sinh. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm một số mô hình quốc tế về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình có hiệu quả đã được quốc tế công nhận để tiến hành Việt hóa, cung cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục xem xét, lựa chọn, đưa vào sử dụng; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương, cơ sở về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường bạo lực gia đình…/.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×