Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn

27/07/2015 | 15:23

Ngày 24/7 tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức họp báo giới thiệu về Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN - 2015; Chương trình Nghệ thuật phục vụ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9); Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc - 2015 (đợt 2).

Theo đó, “Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN - 2015” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 01-6/8, tại Nhà hát Lam Sơn (Thanh Hóa). Liên hoan có sự tham dự của 10 đoàn nghệ thuật đại diện cho các Quốc gia ASEAN gồm: Việt Nam, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore và 1 đoàn nước đối tác của ASEAN là Hàn Quốc. Bên cạnh việc tổ chức tại Nhà hát Lam Sơn, các Đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan sẽ luân phiên biểu diễn phục vụ nhân dân và khách du lịch tại Sân khấu Bãi Biển B (Thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) vào 19 giờ từ ngày 02-05/8. Mỗi buổi biểu diễn sẽ có thời lượng 90 phút, mỗi đêm sẽ có 2 đến 3 đoàn biểu diễn.

Tiếp nối thành của “Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc - 2015” (đợt 1) vừa diễn ra tại Thái Nguyên, vào ngày 10/9, tại Trung tâm Hội nghị TP. Bà Rịa-Vũng Tàu, đợt 2 của Cuộc thi sẽ chính thức khai mạc. Hiện nay, Cuộc thi đã có sự tham gia đăng ký của 21 đoàn đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp từ Quảng Bình trở vào. Tại cuộc thi, mỗi đơn vị nghệ thuật tham gia 1 chương trình với thời lượng tối thiểu là 60 phút, tối đa không quá 80 phút. Chương trình dự thi sẽ gồm các tiết mục Thanh nhạc, Khí nhạc và Nghệ thuật múa.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Phạm Đình Thắng, trong năm 2015, ngoài các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục tổ chức một số các Liên hoan, Cuộc thi nghệ thuật khác như: Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Cải lương toàn quốc dự kiến trong tháng 10 tại Tỉnh Bạc Liêu; Liên hoan Múa rối quốc tế dự kiến trong tháng 10 tại Hà Nội; Tài năng Xiếc trẻ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia dự kiến trong tháng 11 tại Hà Nội; Liên hoan các dàn nhạc sân khấu truyền thống Việt Nam vào tháng 12 tại TP. Cần Thơ.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ phối hợp với các đơn vị nghệ thuật tổ chức dàn dựng và biểu diễn 3 chương trình. Cụ thể, chương trình Nghệ thuật “Giai điệu Mùa Thu”, sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 26/8, tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Đây là chương trình hòa nhạc giao hưởng với dàn nhạc lớn và có sự pha trộn của phong cách bán cổ điển. “Giai điệu Mùa Thu” sẽ có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ nổi tiếng như NS. Violon - Bùi Công Duy, NS. Đàn Bầu - Bùi Lệ Chi cùng các ca sỹ: NSND Quang Thọ, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Quốc Hưng, Nhật Thủy và Dàn hợp xướng của Trường Đại học VHNT Quân đội...

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh” được tổ chức vào lúc 20 giờ, ngày 02/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Đây là chương trình nghệ thuật bán Sử thi gồm 5 trường đoạn được liên kết xuyên suốt thông qua hình thức thể hiện nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu, phối hợp với lời dẫn, video, clip… khái quát một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng cam go, khốc liệt, anh dũng kiên trung, nhưng rất tự hào của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tham gia biểu diễn có nghệ sĩ của các đơn vị: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng, Nhà hát chèo Quân đội…

Nổi bật là Chương trình Diễu hành nghệ thuật do NSND Lê Ngọc Cường và nhóm tác giả xây dựng (Tổng đạo diễn NSND Trần Bình và NSND Nguyễn Minh Thông) sẽ diễn ra vào sáng ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình với chủ đề “Việt Nam - Khát vọng hòa bình”. Chương trình Diễu hành nghệ thuật được chia làm 2 phần. Phần đầu Chương trình diễu hành nghệ thuật gồm 8 xe mô hình biểu tượng cho 8 thời đại thịnh trị trong lịch sử Việt Nam, từ thời Nhà nước Văn Lang đến thời đại Hồ Chí Minh. Đi cùng và trên mỗi xe đều có nghệ sỹ, nghệ nhân trong trang phục các thời kỳ. Phần hai chương trình diễu hành nghệ thuật là các đoàn diễu hành gồm các khối nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện cho các Di sản Văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh như: Cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Xoan Phú Thọ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ… biểu dương thành tựu giữ gìn, phát huy các di sản Văn hóa Việt Nam trong 70 năm qua, thể hiện dáng vóc Việt Nam đi lên bằng “Khát vọng Hòa Bình”. Chương trình Diễu hành nghệ thuật có sự tham gia biểu diễn của khoảng 2.500 nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật Trung ương, các đơn vị nghệ thuật địa phương, nghệ nhân các tỉnh trên khắp cả nước, sinh viên của các trường Văn hóa Nghệ thuật tại Hà Nội...

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×