Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổ chức cuộc thi cấp quốc gia “Nghệ thuật và Nhân quyền” dành cho thanh niên ASEAN

11/06/2014 | 16:14

Nhằm triển khai Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (AHRD), Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ về nhân quyền (AICHR) tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Nghệ thuật và Nhân quyền” dành cho thanh niên ASEAN. Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam từ 18-25 tuổi.

>> Thông báo cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Nghệ thuật và Nhân quyền” dành cho thanh niên ASEAN

Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm dự thi với nội dung: Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như quyền được sống, được chăm sóc sức khỏe, quyền học tập, quyền lao động... tất cả để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN.

Tác phẩm không mang tính kích động, không cố ý diễn giải sai Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền. Phải phù hợp với luật pháp quốc gia của các nước thành viên. Tác phẩm phải là nguyên mẫu, chưa từng dự thi hay được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về chất liệu, kích thước, tác phẩm vẽ trên giấy khổ A2 (40x60), sử dụng chất liệu màu nước, chì màu, phấn màu, acrylic. Người dự thi cần nộp cả bản gốc và bản kỹ thuật số/bản mềm (với độ phân giải cao). Người dự thi cần gửi kèm theo một đơn đăng ký, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, địa chỉ, thông tin liên hệ, chủ đề của tác phẩm, mô tả ngắn về tác phẩm (không quá 200 từ). Tác phẩm dự thi sẽ là tài sản của các Ban Thư ký ASEAN quốc gia và Ban Thư ký ASEAN cấp khu vực. ASEAN bảo lưu quyền sử dụng bất kỳ tác phẩm nào để công bố sau này.

Về quy trình tuyển chọn, cuộc thi sẽ được tổ chức ở cấp quốc gia và khu vực ASEAN: Cấp quốc gia: Tác phẩm đoạt giải nhất cấp quốc gia sẽ được gửi tới Ban Thư ký ASEAN để tham gia cuộc thi ở cấp khu vực; cấp khu vực: Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào Ngày ASEAN (8/8). Tác phẩm đoạt giải sẽ được đăng trên trang web của AICHR.

Các tác phẩm tham dự gửi về Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, địa chỉ số  38 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội. Thời gian từ ngày 18/6/2014 đến 20/6/2014 (sáng: 8h30 đến 11h30, chiều: 14h00 đến 16h30).


Giới thiệu về Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD)

Ngày 18/11/2012, tại Phnôm Pênh, Campuchia, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Phnôm Pênh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD). Dưới đây là một số nội dung chính của Tuyên bố Nhân quyền ASEAN:

1. Ý nghĩa của Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD):

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN là văn kiện chính trị đầu tiên của ASEAN nhằm tạo khuôn khổ chung cho tăng cường hợp tác ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, với những ý nghĩa quan trọng như sau:

- Thể hiện nguyện vọng, quyết tâm và nỗ lực của người dân và Chính phủ các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân;

- Khẳng định cam kết của ASEAN tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực như đã nêu trong Hiến chương ASEAN;

- Thể hiện cam kết của ASEAN trong thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên và các văn kiện quốc tế về nhân quyền khác mà các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia;

- Khẳng định lại các giá trị nhân quyền chung, đi đôi với coi trọng các giá trị và đặc thù của ASEAN và các quốc gia trong khu vực, quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.

2. Tóm tắt nội dung chính của Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD):

Nhân quyền ASEAN (AHRD) bao gồm các phần: 1) Phần mở đầu, 2) Các nguyên tắc chung, 3) Các quyền dân sự và chính trị, 4) Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 5) Quyền phát triển, 6) Quyền hưởng hòa bình, và 7) Hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; với 40 Điều. Cụ thể như sau:

1) Phần mở đầu: khẳng định lại các mục đích, nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN; nhấn mạnh cam kết đối với Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền (UDHR), Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên bố và Chương trình hành động Viên...; khẳng định AHRD sẽ góp phần xây dựng khuôn khổ hợp tác nhân quyền ở khu vực và đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

2) Các nguyên tắc chung: nêu các nguyên tắc như bình đẳng, không phân biệt đối xử, quyền được công nhận, bảo vệ trước pháp luật, đối xử cân bằng giữa các quyền, cân bằng giữa quyền và trách nhiệm; tôn trọng đặc thù khu vực và sự đa dạng về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử… của mỗi nước cũng như pháp luật và trật tự xã hội trong thực thi nhân quyền; bảo đảm các nguyên tắc không thiên vị, khách quan, không chính trị hóa vấn đề nhân quyền...

3) Các quyền dân sự và chính trị: bao gồm các quyền được sống; quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, quyền không bị nô dịch và buôn bán; quyền không bị tra tấn; quyền tự do đi lại, cư trú, tị nạn; quyền sở hữu tài sản; quyền có quốc tịch; quyền hôn nhân và gia đình, quyền được xét xử công bằng và bảo vệ trước pháp luật; quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp; quyền ứng cử, bầu cử trên cơ sở nội luật của mỗi nước.

4) Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa: bao gồm các quyền về việc làm, lập và tham gia công đoàn; hạn chế sử dụng lao động trẻ em; quyền đối với các dịch vụ xã hội cơ bản (lương thực, y tế, vệ sinh...); quyền nâng cao thể chất và chăm sóc sức khỏe; giúp đỡ và chống kỳ thị với người mắc bệnh truyền nhiễm; quyền hưởng an sinh xã hội và giáo dục; chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em; quyền văn hóa; nhấn mạnh việc thực hiện các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa cần phù hợp với khả năng và điều kiện của các quốc gia thành viên.

5) Quyền phát triển: khẳng định quyền phát triển là thành tố quan trọng của nhân quyền, trong đó mỗi người có quyền tham gia, đóng góp và thụ hưởng công bằng các thành quả và lợi ích của phát triển; nêu các biện pháp thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực nhằm phục vụ và nâng cao cuộc sống của người dân khu vực.

6) Quyền hưởng hòa bình: khẳng định mỗi cá nhân và các dân tộc ở khu vực đều có quyền hưởng hòa bình; các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác và hữu nghị để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hòa hợp ở khu vực.

7) Hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền: khẳng định mong muốn và cam kết của các nước thành viên trong tăng cường hợp tác về nhân quyền./.


HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×