Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tìm hướng phát triển du lịch Việt – Lào qua cửa khẩu

20/07/2017 | 08:03

Chiều 19/7, tại Cung Văn hóa quốc gia Lào, Thủ đô Viêng Chăn, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Lào – Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động Những ngày Văn hóa, Du lịch Việt Nam tại Lào.

Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Sounh Manivong cho biết, thời gian qua, hai nước đã có chính sách ưu đãi về xúc tiến, phát triển du lịch và sẽ còn tiếp tục có những chính sách khác.

“Hợp tác du lịch giữa hai quốc gia có từ năm 1992 tới nay và ngày càng phát triển, hai bên có nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức hội thảo, hội nghị và hai nước cũng có nhiều thế mạnh để hợp tác về du lịch. Đặc biệt, về phát triển nguồn nhân lực du lịch, Việt Nam giúp đỡ Lào rất nhiều cả về nhân lực ngắn hạn và dài hạn”- Cục trưởng Sounh Manivong cho hay.

Không chỉ hợp tác đa phương trong lĩnh vực du lịch trong khu vực và quốc tế, các tỉnh tiếp giáp biên giới cũng đẩy mạnh xúc tiến du lịch rất đa dạng, mạnh mẽ giữa hai quốc gia.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu.

 

Cụ thể hơn, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, trong lĩnh vực du lịch, 2 nước hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều diễn đàn khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS), Hợp tác Bốn quốc gia - Một điểm đến Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV),…

Việt Nam và Lào đã ký nhiều văn bản hợp tác trong lĩnh vực du lịch, trong đó có Hiệp định hợp tác du lịch ký năm 1991, Kế hoạch hợp tác về Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch giai đoạn 2016-2020…

“Lào là thị trường gần, có nhiều điều kiện thuận lợi như cùng chung biên giới, đi lại thuận tiện cả đường bộ và đường hàng không; văn hóa hai nước vừa có những nét riêng, độc đáo, vừa có những nét tương đồng. Bên cạnh việc liên kết chặt chẽ với du lịch Việt Nam, nhân dân hai nước hiểu biết và có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp là những điều kiện để phát triển du lịch”- Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định.

Hội nghị xúc tiến du lịch Việt - Lào tại Thủ đô Viêng Chăn.

 

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2016, trao đổi khách du lịch giữa hai nước đạt hơn 1,13 triệu lượt, trong đó có hơn 137.000 lượt khách du lịch Lào đến Việt Nam và hơn gần 1 triệu lượt khách du lịch Việt Nam đến Lào.

Lào nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ 2 của Lào. Ngoài ra, một số lượng lớn khách du lịch từ nước thứ ba, nhất là các nước châu Âu, Mỹ, Úc và Nhật Bản  đi du lịch cả Lào và Việt Nam theo hành trình kết nối các trung tâm, di sản của Lào như Vientiane, Luang Prabang, Vat Phou... của Lào với Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An... của Việt Nam.

Tại buổi xúc tiến, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch, đã giới thiệu một số sản phẩm du lịch nổi bật của Việt Nam.

Với khoảng cách gần, du khách Lào có thể tới các điểm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Hoặc có thể đi theo tuyến TP HCM– Phú Quốc và ĐBSCL với nhiều trải nghiệm độc đáo về văn hóa địa phương, homestay…

Hiện nay, đi lại giữa hai quốc gia cũng rất thuận tiện với đường hàng không khi có đường bay thẳng từ TP HCM– Viêng Chăn, Luang Prabang, TP HCM – Pakse…

Tại Lào, các cơ sở lưu trú do người Việt Nam xây dựng ngày càng nhiều. Tại Viêng Chăn đã có hệ thống Khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 5 sao được nhiều du khách Lào đánh giá cao.

Các nghệ sĩ Việt Nam chơi những bản nhạc dân tộc nổi tiếng.

 

Đại diện các doanh nghiệp du lịch tại Lào tại buổi xúc tiến đã đề nghị tạo đường đến cho khách du lịch Lào, thông từ Sầm Nưa, kết nối với Sơn La – Mộc Châu, sau đó đến Sa Pa, biên giới Trung Quốc, Hòa Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Huế… Bởi khách du lịch  nước ngoài sau khi rời Hà Nội sẽ qua cửa khẩu Tây Trang, vào Luang Prabang. Do vậy, một số doanh nghiệp đề nghị mở tuyến cửa khẩu Việt – Lào.

Hay từ cửa khẩu Attapeu  – Kon Tum, thông qua đó để đi Nha Trang. Đó là một điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam và ngược lại  từ Kon Tum có thể sang thủ đô Viêng Chăn.

Các doanh nghiệp cũng đóng góp ý kiến về việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục cho khách nhập cảnh, các sản phẩm du lịch, hay các tuyến giao thông…

Kết thúc hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu đã ghi nhận các ý kiến đóng góp và khẳng định sẽ có biện pháp để giải quyết một số vấn đề.

Về ý kiến kết nối các cửa khẩu, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định, đó là những tuyến du lịch hấp dẫn với khách du lịch Lào như tuyến Sầm Nưa – Điện Biên – Thanh Hóa – Hà Nội; Kon Tum – Nha Trang…/.

Song Đào (Từ Viêng Chăn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×