Tìm hiểu Chính sách văn hóa Hàn Quốc
08/05/2019 | 16:24Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã đưa ra định hướng về các chính sách mới với nội dung nhấn mạnh rằng văn hóa đóng vai trò quan trọng như một giá trị lớn trong thế kỷ 21 và cần thiết phải tạo ra một mô hình văn hóa mới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Unesdoc.unesco.org
1. Chính sách Di sản văn hoá
Một trong những trách nhiệm chính của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là bảo tồn di sản văn hoá quốc gia. Một phần ngân sách nhất định được phân bổ cho các hoạt động hỗ trợ phát triển các bảo tàng, công viên quốc gia, thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia, các di sản văn hoá, …
Cục Quản lý Tài sản Văn hoá có nhiệm vụ chính trong thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hoá và các hoạt động khác nhau như quản lý, nghiên cứu, khai quật, trùng tu các khu di tích văn hoá, hợp tác quốc tế về văn hóa. Đồng thời, Cục Quản lý Tài sản Văn hóa cũng thực hiện chức năng công nhận các di sản văn hóa quốc gia.
2. Chính sách Giáo dục và đào tạo về văn hóa
Giáo dục văn hóa ở Hàn Quốc được tiến hành trong các trường công lập từ bậc tiểu học cho đến đại học. Các trường cung cấp nền tảng giáo dục về các điều kiện sáng tạo và đánh giá về nghệ thuật. Nhiều loại hình tổ chức giáo dục dài hạn đã được thành lập ở các địa phương nơi người dân có cơ hội tham gia các khóa học đào tạo về sáng tạo hoặc đánh giá về nghệ thuật và văn hóa.
Giáo dục dành cho các nhà nghệ thuật chuyên nghiệp chủ yếu được thực hiện thông qua các tổ chức giáo dục bậc đại học.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nghệ thuật, Viện Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc được thành lập năm 1991 với mục đích cung cấp một nền giáo dục có hệ thống cho tài năng trẻ của đất nước để tạo ra một thế hệ các nhà nghệ thuật chuyên nghiệp. Viện bao gồm Trường dạy Âm nhạc, Trường dạy kịch, Trường dạy múa và Trường dạy nghệ thuật.
3. Chính sách Ngôn ngữ
Ảnh minh họa. Nguồn: Unesdoc.unesco.org
Nền tảng chính sách ngôn ngữ của Hàn Quốc là sự khuyến khích người dân có kiến thức sâu rộng và phát triển ngôn ngữ quốc gia cũng như khuyến khích các yếu tố đặc sắc của ngôn ngữ trong phạm vi quốc gia cũng như trên thế giới.
Chính sách ngôn ngữ đề cập đến một số các nội dung như thay thế ngôn ngữ nước ngoài mà trước đây thường sử dụng chữ Trung Quốc bằng tiếng Hàn Quốc, khuyến khích các phương tiện truyền thông sử dụng ngôn ngữ tiêu chuẩn…vv. Viện Ngôn ngữ quốc gia được thành lập theo Nghị định của Thủ tướng ban hành năm 1990 để đóng góp vào sự phát triển văn hoá ngôn ngữ Hàn Quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách về ngôn ngữ. Nhiệm vụ của Viện là thực hiện các cuộc nghiên cứu về khoa học và hệ thống để cung cấp nền tảng cơ bản cho một chính sách ngôn ngữ quốc gia. Viện cũng thiết lập các tiêu chuẩn về ngôn ngữ Hàn Quốc liên quan đến các khía cạnh như phép chính tả, khoảng cách từ và thể thức viết hoặc nói..vv. Trên phạm vi quốc gia, Viện có chức năng thu thập và tổng hợp các ngôn ngữ được sử dụng bởi người dân ở cả miền Bắc và miền Nam Hàn Quốc để đưa ra một ngôn ngữ thống nhất quốc gia. Trên phạm vi thế giới, Viện giới thiệu nền văn học Hàn Quốc với bạn bè quốc tế và xuất bản các loại sách về tiếng Hàn Quốc để phục vụ người học ở nước ngoài.
4. Chính sách Thư viện và Bảo tàng
Ảnh minh họa. Nguồn: Unesdoc.unesco.org
Năm 1996, có tổng số 10.244 thư viện đang hoạt động trên khắp Hàn Quốc. Chúng bao gồm một thư viện quốc gia, một thư viện quốc hội, 329 thư viện công cộng, 378 thư viện thuộc các trường đại học, 9.117 thư viện trường học và 418 thư viện chuyên ngành.
Tổng số bảo tàng ở Hàn Quốc là 174 bảo tàng tính đến năm 1997 trong đó bao gồm 23 bảo tàng quốc gia, 24 bảo tàng công cộng, 47 bảo tàng tư nhân và 80 bảo tàng thuộc các trường đại học. Thư viện quốc gia Hàn Quốc thu thập, bảo tồn các loại sách và tài liệu vốn là một phần của di sản văn hóa quốc gia. Thư viện quốc gia cũng có trách nhiệm trong việc phát triển hệ thống thư viện hiện đại, chuẩn hoá các thư mục, hỗ trợ và nghiên cứu cho các thư viện khác, thiết lập cơ sở dữ liệu về thư mục quốc gia. Đồng thời Thư viện quốc gia tổ chức mạng lưới Hệ thống Thông Tin thư viện Hàn Quốc (KOLIS-NET) và liên kết với các tổ chức nước ngoài bao gồm Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Thư viện (IFLA), Liên đoàn Tài liệu quốc tế (FID) và Hội đồng Lưu trữ quốc tế (ICA).
Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc là một tổ chức công cụ với các nhiệm vụ như khai quật, thu thập, nghiên cứu, bảo tồn, trưng bày các di tích lịch sử và văn hoá, cung cấp các chương trình giáo dục và xã hội nhằm mục đích củng cố và nâng cao sự hiểu biết về văn hoá truyền thống. Bảo tàng cũng thực hiện các chức năng về nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Hàn Quốc, khôi phục nền nghệ thuật truyền thống và thủ công trong các hoạt động sống hằng ngày. Đây là nơi lưu trữ của 120.000 di sản khảo cổ học và nghệ thuật, bộ sưu tập gồm 4.500 di vật lịch sử được trưng bày tại 18 triển lãm nghệ thuật hàng năm tại Hàn Quốc.
Bảo tàng Dân gian quốc gia được thành lập nhằm mục đích đảm bảo sự hiểu biết tốt hơn về văn hoá truyền thống, trưng bày các di vật lịch sử và vật dụng thời xưa trong hoạt động hằng ngày. Bảo tàng cũng hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu so sánh giữa xã hội Hàn Quốc với xã hội các nước về phong tục truyền thống và xuất bản chuyên đề cũng như sách liên quan.
5. Chính sách Nghệ thuật biểu diễn
Có rất nhiều cơ sở đang phục vụ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Hàn Quốc , trong đó phải kể đến Nhà hát Lớn - được thành lập năm 1950 với mục đích bảo tồn các hình thức nghệ thuật truyền thống và phát triển nghệ thuật đương thời. Đây là nơi quy tụ 7 đoàn nghệ thuật thành viên: Đoàn Kịch quốc gia, Đoàn Ch'anggkuk quốc gia, Đoàn Múa quốc gia, Đoàn múa Ba lê quốc gia, Đoàn dàn hợp xướng quốc gia và Đoàn hát Opera quốc gia. Trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống quốc gia có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, bảo tồn các dụng cụ và nền âm nhạc truyền thống. Trung tâm tiến hành các cuộc nghiên cứu về sự phát triển của các dụng cụ và các loại hình âm nhạc truyền thống. Trung tâm cũng xuất bản các bảng tổng phổ âm nhạc truyền thống, tài liệu nghiên cứu và các loại sách tham khảo khác. Trung tâm là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống trước công chúng như: tổ chức thường xuyên 80 buổi hoà nhạc Thứ bảy, tại các nơi thiệt thòi về văn hoá cũng như tại nước ngoài. Kết hợp với các đoàn nghệ thuật múa và âm nhạc trực thuộc, Trung tâm tổ chức các nghi lễ âm nhạc tại Lăng mộ cổ Hoàng gia và Lăng mộ Khổng tử.
Giáo dục về âm nhạc và các điệu múa truyền thống Hàn Quốc là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của trung tâm với việc lập ra và điều hành rất nhiều các chương trình như: khoá học kéo dài ba tuần cho người mới bắt đầu học về điệu múa và âm nhạc truyền thống, khoá học một năm về các nhạc cụ truyền thống, khoá học cho các giáo viên trung học, sinh viên và giảng viên đi tới các khu vực khác để tìm hiểu về văn hoá truyền thống.
Trung tâm Nghệ thuật Seoul là một khu liên hợp các loại hình nghệ thuật được xây dựng nhằm cung cấp cơ sở cho nhiều hoạt động biểu diễn của các nhà nghệ thuật và phục vụ khán giả để đóng góp tốt nhất cho quá trình sáng tạo, phát triển của nền văn hoá quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn: Unesdoc.unesco.org
6. Chính sách Nghệ thuật trưng bày
Một cuộc thi cấp quốc gia được tổ chức hàng năm về các lĩnh vực như hội hoạ, thủ công, kiến trúc, nhiếp ảnh. Đại hội nghệ thuật Hàn Quốc, Triển lãm thủ công Hàn Quốc, Đại hội nghệ thuật kiến trúc quốc gia, Triển lãm quốc gia về nhiếp ảnh là những cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích phát triển các nhà nghệ thuật chuyên nghiệp. Đồng thời các cuộc thi này cũng nhằm mục đích nâng cao sự nhận thức của người dân về nghệ thuật trưng bày.
Bảo tàng nghệ thuật đương thời quốc gia là một tổ chức quan trọng cung cấp phương thức tiếp cận toàn diện với xu hướng hiện nay về nghệ thuật đương thời của quốc gia và quốc tế. Nhiệm vụ của Bảo tàng là thu thập một cách hệ thống, bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật và tích cực giới thiệu nghệ thuật Hàn Quốc ra thế giới. Đồng thời bảo tàng tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài thông qua mối quan hệ hợp tác với các bảo tàng trên thế giới.
7. Chính sách Văn học
Quỹ Văn hoá và nghệ thuật Hàn Quốc (KCAF) thực hiện các chương trình hỗ trợ về tài chính nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo trong viết sách và khuyến khích nền văn học quốc gia phát triển. Các chương trình trợ giúp của KCAF bao gồm xuất bản các tạp chí của hiệp hội các nhà văn, xuất bản, phân phối các tạp chí định kì văn học Hàn quốc và xuất bản các sách văn học Hàn Quốc với hệ thống chữ nổi dành cho những người mù…v.v.
8. Chính sách Cơ sở Dữ liệu thông tin về Văn hoá và Nghệ thuật
Với sự công nhận vai trò quan trọng của các thông tin có hệ thống, Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã tiến hành một loạt các hành động liên quan đến việc ban hành các luật về thông tin. Luật Tăng cường Thông tin đã được ban hành năm 1995 và Uỷ Ban Tăng cường thông tin được điều hành bởi Thủ tướng Hàn Quốc được thành lập vào tháng 4 năm 1994. Sau đó, vào tháng 6 năm 1996, Chính phủ đã đưa ra bản công bố "Kế hoạch Tăng cường Phát triển thông tin".
Như là một phần trong kế hoạch, Kế hoạch tăng cường phát triển thông tin về văn hoá được lập ra vào năm 1996 bao gồm ba giai đoạn: giai đoạn một (1995-1997), giai đoạn hai (1998-2000) và giai đoạn ba (2000-2010). Cơ sở dữ liệu thông tin được hoàn thành năm 1997 bao gồm Hệ Thống Dữ liệu thông tin Tài sản Văn hóa, Hệ thống Dữ liệu thông tin Thư viện, Hệ thống dữ liệu thông tin Bảo tàng và Hệ thống dữ liệu thông tin nghệ thuật. Một cơ sở dữ liệu bao gồm xấp xỉ 3.300 phương cách tiếp cận thông tin về tài sản văn hóa, khu di tích lịch sử thông qua các phương tiện thông tin như sách báo, tranh ảnh, âm thanh Hệ thống cơ sở dữ liệu về Tài sản Văn hoá và 4.000 phương cách tiếp cận với hệ thống Quản lý thông tin về Tài sản văn hoá công cộng. Có 1.000 cách thức tiếp cận thông tin về Bảo tàng Quốc gia trên Hệ thống Dữ liệu thông tin Bảo tàng. Hệ thống Dữ liệu Thông tin thư viện là một hệ thống thông tin điện tử kết nối với 9 bảo tàng lớn trên cả nước với mục đích nhằm khuyến khích việc sử dụng danh sách đầy đủ về các loại sách tham khảo quốc gia và chuẩn hoá trong quản lí thông tin. Hệ thống dữ liệu Bảo tàng với dung lượng 1.000 thông tin về các tác phẩm được sưu tầm, 1.200 về những nhà nghệ thuật và các thông tin về nhiều sự kiện triển lãm nghệ thuật, giới thiệu về bảo tàng…vv. Hệ thống Dữ liệu Nghệ thuật thiết lập một cơ sở dữ liệu bao gồm các thông tin về điện ảnh, kịch, âm nhạc và nghệ thuật truyền thống.