Tìm giải pháp đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới
14/07/2023 | 09:02Võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa võ thuật của 54 dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Là môn thể thao có truyền thống và giàu tiềm năng nhưng cho tới nay, sự phát triển của Võ cổ truyền còn chưa được như kỳ vọng.
Đó cũng là trăn trở của những người yêu môn võ của dân tộc và mong muốn đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới.
Hành lang pháp lý đã có
Là kết tinh tinh thần thượng võ của dân tộc, Võ cổ truyền Việt Nam đã cùng đất nước trải qua các giai đoạn thăng trầm. Trong suốt chiều dài của lịch sử ấy, các môn phái, võ phái Võ cổ truyền đã không ngừng sáng tạo, bồi đắp và lưu truyền tạo nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ chiến thuật đặc thù mang đậm nét văn hóa đặc sắc, tinh thần thượng võ, anh dũng, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam.
Trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, Võ cổ truyền không chỉ là môn thể thao để nhân dân ta rèn luyện kỹ năng tự vệ, nâng cao sức khoẻ mà còn khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của của các thế hệ người Việt Nam. Theo Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh, xuất phát từ vai trò, ý nghĩa to lớn của Võ cổ truyền đối với việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 19/8/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định số 252/CT cho phép thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 10/QĐ-BVHTTDL ngày 3/4/2014 phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”.
Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc phát triển Võ cổ truyền trong trường học, nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn các bài quyền cổ, phục dựng các Võ miếu và xây dựng chuyên ngành trình độ đại học, trên đại học về môn võ học dân tộc; giao Bộ VHTTDL xây dựng “Đề án quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam”. Bộ VHTTDL cũng giao Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao) xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030”; ngành Quân đội cũng ban hành Kế hoạch phát triển Võ cổ truyền trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Các tỉnh,thành trong cả nước cũng đã và đang xây dựng Đề án/Kế hoạch bảo tồn, phát triển bản sắc văn hoá truyền thống và các môn thể thao dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2030.
“Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã tạo hành lang pháp lý, là điều kiện tốt cho Võ cổ truyền Việt Nam phát triển. Vấn đề là sắp tới chúng ta phải làm gì để Võ thuật cổ truyền Việt Nam phát triển, từ sự quan tâm ấy”, ông Ngọc Anh chia sẻ.
Tìm giải pháp cho Võ cổ truyền Việt Nam phát triển
Để trả lời cho câu hỏi nêu trên, sắp tới Hội thảo bàn về các giải pháp đẩy mạnh sự phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 sẽ được tổ chức với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia và đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở VHTTDL, Sở VHTT, Liên đoàn, Hội Võ cổ truyền (võ thuật) các tỉnh/thành, ngành; BCH Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Dự kiến Hội thảo sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 3-4/8 tại Trung tâm Hội nghị thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Tại Hội thảo các đại biểu sẽ nghe báo cáo kết quả triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”; Bàn về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030. Theo Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh, Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần phát triển văn hoá con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW; xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 2103/QĐ-BVHTTDL ngày 12/7/2021 của Bộ VHTTDL.
Hội thảo cũng được tổ chức với mục đích đẩy mạnh phong trào toàn dân, nhất là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tập luyện, thi đấu môn Võ cổ truyền để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, thể lực xây dựng nhân cách, đạo đức, truyền thống văn hoá cho các thế hệ người Việt Nam. “Đánh giá kết quả triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”, rút kinh nghiệm, bàn về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030. Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ bàn các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trong đó sẽ cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Võ cổ truyền Việt Nam; nhiệm vụ và giải pháp bảo tồn và nhân rộng các mô hình bảo tồn bài quyền cổ, lò võ cổ, võ miêu, võ đường Võ cổ truyền Việt Nam; cơ chế, chính sách đối với các võ sư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam.
Các giải pháp về đầu tư nguồn lực phát triển Võ cổ truyền Việt Nam; xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội nghề nghiệp về Võ cổ truyền Việt Nam; xây dựng và nâng cao chất lượng giải thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam; tuyên truyền và hợp tác quốc tế phát triển Võ cổ truyền Việt Nam cũng sẽ được bàn bạc nhằm tìm ra giải pháp tổng thể để phát triển võ cổ truyền Việt Nam.
“Việc tổ chức Hội thảo chỉ là một trong những bước đi đầu tiên. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành hàng loạt các giải pháp tổng thể. Một trong những nhiệm vụ trước mắt là quảng bá Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới, để bạn bè quốc tế thấy được hết cái hay, cái đẹp của môn võ là kết tinh võ thuật của dân tộc. Trước mắt chúng tôi đang đề ra chiến lược để có thể đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra đấu trường SEA Games. Nếu được các nước củng hộ, những nét tinh hoa của Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ được phô diễn tại đấu trường lớn nhất khu vực này”, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chia sẻ.