Tiền Giang: Đổi mới sản phẩm du lịch, thu hút du khách, thích ứng an toàn
13/01/2022 | 09:45Nằm ở khu vực sông Tiền, có lợi thế mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thiên nhiên sông nước hữu tình và bề dày văn hóa - lịch sử, tỉnh Tiền Giang có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái hấp dẫn, đa dạng. Theo thống kê, toàn tỉnh có 72 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, 266 cơ sở lưu trú với 5.062 phòng, 560 phương tiện vận chuyển khách du lịch, 30 khu, điểm du lịch. Tổng số lao động phục vụ trong ngành Du lịch lên đến 5.680 lao động. Trong điều kiện bình thường, hàng năm, tỉnh đón trên 2,1 triệu lượt du khách; trong đó có gần 01 triệu lượt du khách quốc tế, doanh thu trực tiếp từ các doanh nghiệp du lịch khoảng 1.160 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ Tư đã ảnh hưởng nặng nề đến các mặt đời sống, xã hội. Trong đó, ngành Du lịch tỉnh bị đình trệ trong một thời gian dài, thiệt hại rất lớn. Ước tính, cả năm 2021, toàn tỉnh chỉ đón được khoảng 550.000 lượt du khách, doanh thu hơn 333 tỷ đồng. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch và đưa ra những giải pháp khôi phục ngành Du lịch trong bối cảnh chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ là hết sức cần thiết.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong năm 2022, địa phương phục hồi ngành Du lịch trên cơ sở "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo hướng lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác, đổi mới sản phẩm hiện hữu, kết hợp phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ mới hấp dẫn du khách. Đồng thời, từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Tỉnh phấn đấu trong năm 2022, đón 1.100.000 du khách, tăng gấp đôi so với năm 2021, trong đó có 940.000 khách nội địa, còn lại là du khách quốc tế.
Tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực hoạt động du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại do dịch Covid-19; đẩy mạnh công tác truyền thông Tiền Giang là điểm đến an toàn gắn với đảm bảo biện pháp thích ứng, phòng, chống dịch. Song song đó, tỉnh cũng khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia Chương trình kích cầu du lịch do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Du lịch và Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát động.
Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng vùng, miền hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, cũng như chia sẻ và hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch trên địa bàn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được chú trọng; trong đó tập trung củng cố các thị trường truyền thống song song với phát triển thị trường tiềm năng, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong phát triển thị trường du lịch và tạo các tiện ích cho du khách trên Cổng Thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang, Bản đồ du lịch điện tử, ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh (Smartphone) TienGiang Tourism, Wifi thông minh tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh...
Kết hợp nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống gắn với du lịch như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định... thu hút du khách trong và ngoài nước đến tỉnh Tiền Giang, nhằm sớm phục hồi và phát triển ngành Du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hoạt động du lịch phải năng động, nhạy bén hơn nữa, khắc phục khó khăn dịch bệnh và tận dụng cơ hội đổi mới nội dung, phương pháp, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Doanh nghiệp du lịch cũng phải tái cơ cấu lại hoạt động của mình trên cơ sở phát huy thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết vừa qua, tích cực nghiên cứu xây dựng và đưa thêm những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới vào phục vụ; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, nhân viên, nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, các khu, điểm du lịch phải tranh thủ thời cơ để tập trung đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cảnh quan, môi trường phục vụ du khách.