Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thúc đẩy văn hóa đọc từ các sân chơi cho thiếu nhi

16/10/2020 | 10:55

Những năm gần đây, các cấp, ngành, đơn vị chức năng đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong các em thiếu nhi như xây dựng thư viện trong nhà trường, khu dân cư; tổ chức ngày hội sách thiếu nhi; đổi mới xuất bản sách cho trẻ em… Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”, “Đại sứ văn hóa đọc” đã và đang tạo sân chơi, kết nối tình yêu sách của các em thiếu nhi.

Thúc đẩy văn hóa đọc từ các sân chơi cho thiếu nhi  - Ảnh 1.

Các cá nhân đoạt giải tại lễ tổng kết cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”. Ảnh: Nguyễn Thực

Chia sẻ tình yêu với sách

Nhận giải Nhất của cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ X - năm 2020 do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức, em Hoàng Minh Phúc, lớp 8A3, Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Trước đây, em hay giải trí bằng những thiết bị công nghệ hiện đại. Từ ngày đọc sách và chọn được những cuốn sách hay như tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, em đã thay đổi thói quen. Đọc sách giúp em thêm yêu quý từng góc phố, từng con sông và thêm yêu con người, đất nước Việt Nam”.

Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ X - năm 2020 cũng là dấu mốc “Một thập kỷ vì văn hóa đọc cho thiếu nhi” của Ban Tổ chức, nhằm đồng hành và khơi dậy văn hóa đọc trong các em nhỏ. Con số gần 10.000 bài dự thi của học sinh ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước là minh chứng cho thấy, sau 10 năm liên tục tổ chức, cuộc thi đã trở thành sân chơi quen thuộc, có sức hút và lan tỏa. Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang cho biết, cuộc thi được khởi xướng nhằm cổ vũ học sinh đọc sách, viết cảm thụ về cuốn sách mà các em yêu thích. Tùy khả năng viết của mỗi em, song việc tìm đọc, hình thành thói quen đọc sách sẽ giúp các em có nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, góp phần trau dồi trí tuệ, tâm hồn và nhân cách.

Tương tự, cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" năm 2020 do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, nhằm khuyến khích các em nhỏ chia sẻ về cuốn sách hay và phương pháp đọc sách hiệu quả, cũng đã bước vào vòng chung kết. Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, năm nay cuộc thi chứng kiến số lượng kỷ lục với gần 1 triệu bài thi của học sinh, sinh viên cả nước. Chất lượng các bài dự thi được cải thiện rõ rệt, với những cảm nhận xúc động, trình bày kỳ công, sáng tạo, thể hiện tình yêu sách mãnh liệt của các em.

Đặc biệt, qua các cuộc thi cho thấy, việc đọc của các em nhỏ rất phong phú, lành mạnh, hữu ích với phần lớn tác phẩm nói về lịch sử cách mạng, anh hùng dân tộc, tác phẩm kinh điển, truyện cổ tích, tấm gương vượt khó, tình thầy trò, tình cảm gia đình và các mối quan hệ xã hội…

Phát triển phong trào đọc sách trong thiếu nhi

Nhiều năm đồng hành với các cuộc thi viết cảm nhận sách, nhà văn Lê Minh Khuê khẳng định, đọc sách và có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ không chỉ đem đến tri thức, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho các em bước vào đời, trở thành người có ích. Vì thế, việc thường xuyên tổ chức những cuộc thi chia sẻ cảm nhận về sách sẽ kích thích các em nhỏ đọc nhiều sách, tích cực tìm hiểu về những cuốn sách mới, độc đáo, có giá trị. Từ đó, phong trào đọc sách trong thiếu nhi lan rộng, phát triển.

Ham mê đọc sách và tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, “Viết về cuốn sách yêu thích của em” nhiều năm qua, em Đào Minh Châu, lớp 12D4, Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Tham gia và thấy các cuộc thi bổ ích, em đã chia sẻ với cả trường trong một giờ chào cờ. Sau đó, nhiều bạn tìm gặp em và chúng em lập nhóm yêu sách, chung nhau mua những cuốn sách hay, bàn luận về sách và cách thức tham gia các cuộc thi. Tình yêu sách trong chúng em cứ thế lớn dần”. Từng đoạt giải Nhất cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” năm đầu tiên (2011), giờ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin ở Hà Nội, anh Nguyễn Anh Quân chia sẻ, việc hình thành thói quen đọc sách ngay trên ghế nhà trường sẽ giúp mỗi người có kỹ năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy, trở thành lợi thế trong công việc sau này.

Không chỉ từng cá nhân, nhiều trường học, địa phương đã tích cực động viên, khuyến khích học sinh đọc sách, tham gia các cuộc thi viết về cuốn sách yêu thích, tạo phong trào sôi nổi, như Trường Trung học cơ sở Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), Trường Tiểu học Thanh Am (quận Long Biên)…

Vượt khỏi khuôn khổ các cuộc thi, mới đây, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Vụ Thư viện phối hợp tuyển chọn những bài thi xuất sắc từ cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” để biên soạn, xuất bản thành bộ sách, trong đó có các bài viết về cuốn sách hay, sáng kiến khuyến đọc. Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, đây là một biện pháp để lan tỏa rộng hơn tình yêu sách và phong trào đọc sách trong thiếu nhi. Cùng với đó, cần khuyến khích các đơn vị, tổ chức duy trì, triển khai nhiều cuộc thi tìm hiểu, chia sẻ về sách nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc từ các sân chơi trong thiếu nhi.

Theo hanoimoi.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×