Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thừa Thiên Huế: Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế

21/02/2024 | 11:15

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch quốc tế đang trên đà trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Đây cũng là giai đoạn Thừa Thiên Huế cần thực hiện nhiều chiến lược để phục hồi mạnh mẽ thị trường khách quốc tế.

Thừa Thiên Huế: Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế - Ảnh 1.

Khách quốc tế đến Huế đầu năm 2024

Thị trường khách quốc tế dần phục hồi

Kết thúc tháng 1/2024, du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục có nhiều tín hiệu vui khi đón gần 308.000 lượt khách, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khách quốc tế ước đạt gần 152.000 lượt khách, tăng gần 99% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 595 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Xét mặt bằng chung, thị trường khách quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023, Thừa Thiên Huế thu hút gần 3,2 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế đã tăng mạnh với gần 1,2 triệu lượt khách (tăng gần 345% so với năm 2022). Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, thị trường khách quốc tế đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch. Thông qua nhiều chương trình kích cầu, xúc tiến, quảng bá, trong năm 2024, rất nhiều khách quốc tế sẽ chọn Huế làm điểm đến.

Bức tranh du lịch toàn cầu trở nên sáng hơn trong năm 2023. Theo số liệu từ các tổ chức du lịch quốc tế, kết thúc năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu ước đạt khoảng 1,3 tỷ lượt, bằng 88% so với trước đại dịch năm 2019. Tại Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, nhiều chiến lược phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế được đặt ra và đang mang lại những kết quả tích cực. Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Trong tháng 1/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,5 triệu lượt, cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ tháng 3/2022, tương đương với mức tháng 1/2019 thời điểm trước dịch. Tháng 1/2024 chứng kiến sự tăng trưởng rất tốt từ các thị trường ở châu Âu được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực như: Anh (+37,4%), Pháp (+18,6%), Đức (+25,0%), Ý (+62,9%), Nga (+41,2%), Đan Mạch (+74,1%), Thụy Điển (+55,9%), Na Uy (+47,4%). Nhìn vào con số chung của ngành du lịch toàn quốc để so sánh, có thể thấy lượng khách quốc tế đến Huế thời gian qua là khá tốt. Đó cũng là những cơ sở để du lịch Huế trong năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng với những định hướng đúng đắn.

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) Zurab Pololikashvili cho rằng dữ liệu mới nhất cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng của du lịch, dự kiến đạt mức trước đại dịch vào cuối năm 2024. Sự phục hồi này đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế, việc làm, tăng trưởng và cơ hội cho cộng đồng toàn cầu. Những con số này cũng gợi mở đến nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch là thúc đẩy tính bền vững và hòa nhập trong phát triển du lịch.

Thừa Thiên Huế: Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế - Ảnh 2.

Khách quốc tế đến Huế bằng đường hàng không năm 2024

Tập trung những giải pháp trọng tâm

Năm 2024, toàn ngành du lịch cả nước kỳ vọng du lịch sẽ tiếp tục bứt phá, hướng tới phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch như năm 2019. Trong đó, mục tiêu đặt ra là quyết tâm phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế. Thừa Thiên Huế đang khẳng định mình là trung tâm văn hóa - du lịch lớn, đặc sắc của cả nước, vì vậy, việc thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế, đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch quốc gia cũng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Thực tế, bên cạnh đà tăng trưởng của ngành du lịch năm 2023, du lịch Thừa Thiên Huế vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế cần cải thiện, đó là chính sách về giá chưa đủ sức cạnh tranh. Ngành du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương và khả năng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch ra thế giới còn hạn chế. Đặc biệt, du lịch Huế vẫn chưa có các sản phẩm du lịch, dịch vụ đối với từng thị trường chuyên biệt như khách du lịch người Hồi giáo, sản phẩm chuyên biệt tầm cao phục vụ khách Nhật Bản… Ngoài ra, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, trung tâm mua sắm đẳng cấp là điều mà Huế vẫn còn thiếu.

Để giữ đà phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế, đưa du lịch Huế chạm và vượt mốc con số hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế như năm 2019, đòi hỏi ngành du lịch Cố đô phải tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần quyết liệt. Đặc biệt, phải tập trung hoàn thiện và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp thúc đẩy liên kết hợp tác, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Mặt khác, cần triển khai xúc tiến, quảng bá, đẩy nhanh tốc độ phục hồi khách du lịch quốc tế một cách có trọng tâm và hiệu quả.

Chính quyền địa phương và ngành du lịch cũng cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và có các chính sách hợp lý để hấp dẫn nhà đầu tư đến với Cố đô, qua đó giúp du lịch tỉnh nhà phát triển thông qua việc xây dựng hạ tầng, dịch vụ du lịch…

Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, ngành du lịch tỉnh cũng đang triển khai nhiều giải pháp để nghiên cứu thị trường khách quốc tế nhằm đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, cải thiện môi trường du lịch và tạo ấn tượng mạnh với du khách khi đến Huế.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×