Thừa Thiên Huế: Sôi động du lịch tàu biển năm 2024
19/01/2024 | 07:50Một tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm 2024 là nhiều công ty du lịch đăng ký đưa khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây. Vấn đề còn lại là làm sao để thu hút càng nhiều số lượng khách hạng sang này lên TP. Huế tham quan, trải nghiệm và “tiêu tiền”.
Sôi động du lịch tàu biển
Chuyến tàu du lịch đầu tiên đến Huế mang tên CELEBRITY SOLSTICE vừa cập cảng Chân Mây vào ngày 7/1 mang theo 2.700 khách du lịch đến từ Anh, Pháp, Mỹ… Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã khai thác được hơn 1.000 khách mua tour du lịch, rời cảng và tham quan các địa điểm du lịch và thưởng thức ẩm thực ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, Quảng Nam.
Một du khách quốc tịch Hoa Kỳ cho biết, loại hình du lịch tàu biển rất hiện đại, được xem như một thành phố thu nhỏ vì có thể ăn uống, nghỉ ngơi và vui chơi mọi nơi ở trên tàu. Song, khi tàu cập cảng Chân Mây, ông vẫn muốn xuống tàu tham quan ở Huế. “Đến các khu di tích của Huế có thể tìm hiểu về kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống đền đài, lăng tẩm. Mảnh đất giàu văn hóa như Huế sẽ mang đến nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho những du khách đi du lịch như chúng tôi”, vị khách này chia sẻ.
Du lịch tàu biển đang dần sôi động trở lại và ngay từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đại diện công ty cổ phần Cảng Chân Mây và các Công ty lữ hành khai thác khách tàu biển, sau thời gian dịch bệnh thì các hãng tàu du lịch biển quốc tế đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trở lại với việc nhiều công ty du lịch đăng ký đưa khách cập cảng Chân Mây. Năm 2023, cảng Chân Mây đã có 25 chuyến tàu du lịch cập cảng, đưa khoảng hơn 50.000 khách du lịch quốc tế và thành viên thủy thủ tàu đến với Thừa Thiên Huế. Chỉ riêng trong tháng cuối năm 2023, đã có 9 du tàu lớn cập cảng Chân Mây, đưa hơn 36.000 khách và 16.000 thủy thủ đoàn, riêng du thuyền Diamond Princess cập cảng Chân Mây 3 lần trong tháng 12/2023, mỗi đợt có 2.800 khách và 1.000 thủy thủ trên tàu. Có trên 50% số khách lên bờ đi theo các tour đến Huế, Đà Nẵng hoặc Đà Nẵng - Hội An.
Hiện nay, số lượng các đại lý đăng ký tàu du lịch sẽ cập cảng Chân Mây vào năm 2024 đã có 32 lượt tàu, với gần 60.000 hành khách và hơn 22.000 thuyền viên. Thị phần khách tàu biển đến Việt Nam được giới chuyên môn dự báo khá sôi động, trong đó đa phần là tầng lớp trung và thượng lưu, mức độ chi tiêu cho du lịch khá nhiều. Do vậy, lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, Thừa Thiên Huế sẽ khai thác thêm các tour, tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dòng khách này, qua đó nâng tỷ lệ thời gian lưu trú của khách.
Hàng loạt giải pháp hút khách
Các chuyến tàu du lịch hạng sang cập cảng Chân Mây là chuyện đáng mừng, nhưng để khách xuống tàu tham quan, trải nghiệm, lưu trú và “tiêu tiền” ở Huế cho hoạt động du lịch thì cần rất nhiều giải pháp. Chia sẻ bên lề chương trình đón chuyến tàu du lịch và những du khách đầu tiên đến Thừa Thiên Huế bằng đường hàng hải năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, để phát triển du lịch tàu biển, thời gian qua, cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bến cảng, tỉnh tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với các đối tượng khách này. Hiện nay, tỉnh giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với ngành du lịch xây dựng chính sách kích cầu, hỗ trợ, đồng thời lồng ghép một số các sản phẩm du lịch truyền thống để tập trung phục vụ cho nhóm khách này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam hình thành các tour du lịch để có thể chia sẻ các sản phẩm du lịch địa phương phục vụ du khách đến Huế cũng như khu vực miền Trung bằng tàu biển.
Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, trong năm 2024, sẽ hình thành trạm thông tin du lịch ngay tại cảng Chân Mây. Trạm thông tin này sẽ giới thiệu các sản phẩm, điểm đến du lịch tại Huế một cách chuyên nghiệp để thu hút dòng khách hạng sang tham quan, trải nghiệm ở Huế.
Thời gian qua, rất nhiều tàu cập cảng Chân Mây vào buổi tối, ở lại đêm. Tuy nhiên, du lịch đêm gắn với các dịch vụ về đêm ở Huế bị đánh giá chưa sôi động và hấp dẫn; chưa có các dịch vụ, trung tâm mua sắm đẳng cấp. Đây cũng là vấn đề lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch rất trăn trở, tìm giải pháp để giải quyết, nhất là kêu gọi đầu tư với các cơ chế thông thoáng, trong đó có các dịch vụ phục vụ khách đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để thực sự khai thác hiệu quả, các đơn vị liên quan cần phải thay đổi cách tiếp cận đối với việc đón khách tàu biển, từng bước chuyển từ khai thác thụ động thành chủ động. Ngành du lịch, các đơn vị liên quan nên có các chuyến khảo sát, học tập các cảng lớn trong khu vực về đón, khai thác khách tàu biển như tại Singapore, Malaysia…
Sở Du lịch cùng với các doanh nghiệp nghiên cứu thị hiếu của khách để tạo ra các sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù; triển khai công tác xúc tiến bằng cách đi khảo sát, tham gia quảng bá tại các hội chợ lớn về du lịch tàu biển… Chính quyền địa phương cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp các sản phẩm phục vụ khách tàu biển hiện nay; tạo ấn tượng từ các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa địa phương, vùng miền để thu hút khách quốc tế, nhất là thị trường khách châu Âu, Bắc Mỹ.