Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thừa Thiên Huế: Khắc phục bất cập trong quản lý hoạt động du lịch

05/07/2021 | 09:22

Qua dịch bệnh cho thấy, nhiều hoạt động du lịch đang quản lý thiếu đồng bộ, không quy về được đầu mối... điều này cần phải được khắc phục.

Thừa Thiên Huế: Cần khắc phục bất cập trong quản lý hoạt động du lịch - Ảnh 1.

Chèo SUP trên sông Hương đang thiếu một số quy định cần được khắc phục trong thời gian đến (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Chưa đồng bộ

Những ngày vừa qua, ngành du lịch thống kê, tổng hợp những lao động trực tiếp trong ngành để ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Qua đây, những “khoảng trống” trong quản lý du lịch được chỉ ra. Trước hết phải nói đến hoạt động ca Huế trên sông Hương, hiện không do một cơ quan nào quản lý trực tiếp và toàn diện, nên khi thống kê danh sách những lao động, nghệ sĩ tham gia biểu diễn, phục vụ khách để tiêm vaccine gặp trở ngại, không đầy đủ.

Trong khi Văn phòng UBND TP. Huế cho biết, hoạt động ca Huế trên sông Hương đang do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý thì Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, sở chỉ quản lý về mặt chuyên môn, các bài bản ca Huế khi nghệ sĩ hát có đúng, nghệ sĩ mặc trang phục hợp “thuần phong mỹ tục”, thời lượng chương trình có đảm bảo... Còn các hoạt động, dịch vụ kèm theo là do đơn vị khác quản lý, như quản lý thuyền rồng do ban quản lý bến thuyền, hoạt động an toàn trên sông do lực lượng công an, việc bán vé lại do Sở Tài chính quản lý...

Một hoạt động khác liên quan đến sông Hương cũng được đặt ra trong quản lý tốt hơn, mà trước đó khi hoạt động du lịch còn sôi động gần như không được đề cập đến, đó là chèo SUP. Không phủ nhận hoạt động chèo SUP được người dân và du khách yêu thích và lựa chọn thời gian qua. Đây cũng được đánh giá là sản phẩm du lịch mới, tăng sức hút cho điểm đến. Thế nhưng, hoạt động này đang thiếu nhiều quy định về bến bãi, khu vực được hoạt động bởi liên quan đến giao thông đường thủy nội địa, nghiệp vụ đối với người phục vụ, đầu mối quản lý trực tiếp hoạt động là đơn vị nào?

Thừa Thiên Huế: Cần khắc phục bất cập trong quản lý hoạt động du lịch - Ảnh 2.

Cắm trại qua đêm ở Khu du lịch Yes Huế Eco (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Cắm trại qua đêm đang là hoạt động được nhiều khách nội tỉnh lựa chọn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Khi khách cắm trại ở trong điểm du lịch sẽ dễ dàng quản lý, khai báo lưu trú, nhưng cắm trại ở những nơi chưa được công nhận điểm thì lại không quản lý được lưu trú, hoặc có cũng không chặt chẽ. Theo Sở Du lịch, qua nắm thực tế, có một số địa phương quản lý chưa chặt. Như tại biển Lộc Vĩnh (Phú Lộc) thời điểm tháng 4/2021, qua kiểm tra có cả nghìn người về cắm trại, ngủ lại qua đêm nhưng lại không khai báo lưu trú.

Lãnh đạo Sở Du lịch nhìn nhận, về bản chất, các hoạt động được dẫn chứng trên là sản phẩm du lịch. Khi có sự việc phát sinh, hay những phản ánh không hài lòng từ du khách sẽ nói trách nhiệm của ngành, dù ngành du lịch không quản lý trực tiếp. Do đó, ngành phải phối hợp, tìm hiểu lại nên đôi khi giải quyết sự việc chưa thấu đáo. Việc thiếu tính liên thông, đồng bộ nên công tác quản lý một số hoạt động du lịch tồn tại bất cập.

Cần có tính liên thông

Vì sao những bất cập trong quản lý như vừa nêu, cơ quan chức năng điều biết, thậm chí nắm rõ, nhưng lại chưa tìm được giải pháp chung trong quản lý? Rõ ràng, những mô mình quản lý có tính liên thông đang được đặt ra, nhất là khi tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý bằng công nghệ.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch phân tích, qua một số sự việc đơn lẻ, như cắm trại, lưu trú tại các homestay mới thấy phần mềm quản lý lưu trú liên thông cần thiết như thế nào. Phần mềm này phải được cung cấp đến công an từng địa phương. Khi có khách đến ở lại qua đêm trên địa bàn sẽ được nhập vào hệ thống, giúp các cấp từ tỉnh đến cấp huyện đều nắm bắt và có những điều hành, điều chỉnh kịp thời.

Liên quan đến các hoạt động dịch vụ du lịch đường thủy, Sở Giao thông Vận tải đang tham mưu dự thảo để UBND tỉnh ban hành quy định hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải có vùng hoạt động đảm bảo các điều kiện quy định, được cơ quan thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố hoạt động; phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định; có cảng, bến, khu vực neo đậu để phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước neo đậu, đón, trả khách được Sở Giao thông Vận tải cấp phép hoạt động...

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Đăng kiểm, Sở Giao thông Vận tải thông tin, trong quy định mà sở tham mưu, có nêu và phân công trách nhiệm của các sở, ngành, các địa phương rất cụ thể và rõ ràng. Việc quản lý các hoạt động du lịch dưới nước kỳ vọng sẽ chặt chẽ hơn trong thời gian đến. Không chỉ có chèo SUP trên sông Hương, các dịch vụ trên phá Tam Giang, sông, hồ cũng sẽ được siết chặt quản lý. Siết chặt không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp mà hướng đến tính bài bản chuyên nghiệp, an toàn cho khách và đúng quy định.

Trở lại với câu chuyện ca Huế trên sông Hương, việc thiếu động bộ trong quản lý dẫn đến một thực tế được đặt ra là chất lượng dịch vụ, yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách và những người tham gia phục vụ... Đã nảy sinh những vấn đề về cạnh tranh giá, hạ giá xuống thấp để thu hút khách. Không thể để một dịch vụ đặc trưng như ca Huế trên sông, cùng lúc phục vụ 30 - 40 khách mà tổng chi phí thu được chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Bất cập này cần sớm khắc phục.

Đây là thời điểm ít khách vì dịch bệnh, nên rất phù hợp để các cơ quan quản lý chấn chỉnh, khắc phục những bất cập trong quản lý, vận hành. Để khi tái hoạt động trở lại, các dịch vụ sẽ chuyên nghiệp, chất lượng và hấp dẫn du khách hơn.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×