Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thừa Thiên Huế: Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách

22/07/2024 | 15:04

Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch cũng do yếu tố văn hóa bản địa quyết định. Các địa phương tại Thừa Thiên Huế có những lễ hội đặc sắc, nhưng để thu hút khách cần thiết phải đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng từ yếu tố này và chú trọng hơn công tác quảng bá.

Thừa Thiên Huế: Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách - Ảnh 1.

Học sinh tham gia hoạt động giao lưu và chơi bài chòi tại "Chợ quê ngày hội" năm 2024.

Nhìn từ “Chợ quê ngày hội”

Có mặt tại nhiều hoạt động tại “Chợ quê ngày hội” năm 2024 diễn ra từ ngày 27/6 đến ngày 30/6, mới thấy rõ khả năng thu hút khách và đánh giá từ du khách ở một lễ hội địa phương đã có thương hiệu. Mỗi hoạt động tại “Chợ quê ngày hội” đều thu hút đông người đến tham quan, trải nghiệm. Song, điều đáng tiếc là có khá ít du khách quốc tế.

Làm một cuộc khảo sát trong 4 ngày diễn ra “Chợ quê ngày hội” với nhiều du khách, chúng tôi nhận thấy phần đông vẫn là khách địa phương, khách trong tỉnh. Lượng du khách từ thập phương đổ về chưa nhiều, thậm chí có những người ghé tham quan cầu ngói Thanh Toàn mới biết chương trình này. Chị Mai Thị Hương Giang, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi có nghe về cầu ngói Thanh Toàn nên sắp xếp thời gian về đây tham quan và tình cờ được trải nghiệm “Chợ quê ngày hội”. Thực sự lễ hội này khá thú vị. Tuy nhiên, nếu biết thông tin và kế hoạch sớm, việc sắp xếp lịch trải nghiệm sẽ được nhiều hơn”.

Theo thống kê từ Ban tổ chức “Chợ quê ngày hội” năm 2024, trong 4 ngày diễn ra, sự kiện thu hút khoảng 200.000 lượt người dân và du khách đến tham quan trải nghiệm. Con số ấy cho thấy tính hiệu quả. Song, nếu lượng du khách nhiều hơn, hiệu quả và doanh thu cho du lịch mới thực sự tạo được dấu ấn, bởi chính du khách mới là đối tượng chi tiêu nhiều để đóng góp vào doanh thu du lịch.

Qua khảo sát, hầu hết du khách có mặt ở “Chợ quê ngày hội” 2024 đều đánh giá cao về nội dung các chương trình. Chỉ riêng nghệ thuật bài chòi, ban tổ chức đã xây dựng và tổ chức được chương trình giao lưu, trình diễn bài chòi với sự góp mặt của các nghệ nhân, học sinh và nhiều đối tượng khác tham gia. Đây là một trong những hoạt động mà du khách rất thích trước cách dàn dựng chương trình phù hợp với những sinh hoạt, đời sống văn hóa của người dân địa phương. Tuy nhiên, một chương trình hay nhưng khách du lịch đến còn ít thì trăn trở là điều khó tránh khỏi. Một du khách thường xuyên đi du lịch đánh giá: “Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, nhất là đối với thị trường khách quốc tế. Sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch cũng do yếu tố văn hóa bản địa quyết định. Ở đây đã khai thác được các yếu tố văn hóa bản địa để tổ chức các sự kiện, lễ hội. Điều quan trọng là làm sao để khách biết và tìm đến”.

Bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy trăn trở, đúng là việc thu hút du khách vẫn chưa đạt kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chương trình diễn ra không nằm trong giai đoạn cao điểm chuỗi hoạt động Festival Huế. Các cơ sở, điểm lưu trú còn hạn chế nên chưa thu hút và “níu chân” khách ở lại. Mặt khác, thời điểm diễn ra “Chợ quê ngày hội” năm nay đúng vào dịp cả nước diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 nên nhiều gia đình chưa lên kế hoạch tổ chức đi du lịch. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong việc lựa chọn thời điểm tổ chức sự kiện, lễ hội.

Để lễ hội “níu chân” du khách

4 ngày ở “Chợ quê ngày hội” chỉ là một cuộc khảo sát nhỏ trong hành trình tìm hiểu khách đến với các sự kiện, lễ hội tại Thừa Thiên Huế. Thực tế, tôi từng có mặt ở nhiều hoạt động tại các sự kiện, chương trình lễ hội như “Hương xưa làng cổ” tại làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền); “Sóng nước Tam Giang” (huyện Quảng Điền), “Thuận An biển gọi” (bãi biển Thuận An, TP. Huế)… Điều mà khá nhiều du khách chia sẻ là không được nghe thông tin về lễ hội sớm, hoặc không hề biết trước. Đó thực sự là trăn trở trong công tác truyền thông.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, một trong những lý do mà các doanh nghiệp chưa khai thác được tour về lễ hội là công tác thông tin sự kiện còn chậm, dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng tour và giới thiệu cho khách.

Công bằng mà nói, các sự kiện trên đều làm công tác quảng bá trên các kênh mạng xã hội, website… Song, sức lan tỏa rộng vẫn chưa thực sự đủ lớn khiến du khách nước ngoài, du khách từ các tỉnh, thành ở xa chưa tiếp cận được. Mặt khác, thông tin kế hoạch các chương trình công bố còn chậm, trong khi khách thường đặt tour du lịch từ rất sớm. Điều này cho thấy, công tác quảng bá, truyền thông không phải là trách nhiệm của riêng địa phương, đơn vị tổ chức sự kiện, lễ hội mà cần có sự hợp lực của nhiều ban ngành, đơn vị. Muốn quảng bá tốt, phải có sự nghiên cứu kỹ để xây dựng và công bố thông tin sự kiện lễ hội sớm, thậm chí trước gần cả năm để các đơn vị lữ hành xây dựng và quảng bá tour, du khách cũng dễ dàng lên kế hoạch cho chuyến du lịch của mình. Bên cạnh đó, các địa phương phải liên kết với các đơn vị lữ hành để cùng phối hợp, tạo thêm các giá trị cho các bên.

Điều quan trọng không kém là để hút khách và “níu chân” khách đến lễ hội, phải lựa chọn thời điểm tổ chức lễ hội phù hợp, tránh trùng thời gian diễn ra các sự kiện, hoạt động ảnh hưởng đến kế hoạch chung đi du lịch của đa phần du khách. Việc lựa chọn thời điểm cũng nên tính toán yếu tố thời tiết, tạo thuận lợi hơn để khách trải nghiệm trọn vẹn các hoạt động.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×