Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số để tạo đột phá cho ngành Thư viện
23/09/2021 | 07:51Chuyển đổi số (CĐS) đang được xem như “cơ hội vàng” cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, trong đó có thư viện. Việc Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS ngành Thư viện đến năm 2025 được xem là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực này để phục vụ độc giả. Song, để đạt mục tiêu và hiệu quả như kỳ vọng cần sự nỗ lực, đầu tư đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh gồm Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, 08 thư viện huyện, thị xã đang tích cực CĐS, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện, nhất là các thư viện công cộng, thư viện trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng đã tích cực xây dựng phần mềm quản lý để liên thông và cơ sở dữ liệu, số hóa tập trung cho hệ thống thư viện tỉnh và 8 thư viện huyện, thị xã trên địa bàn.
Trong giai đoạn tới, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, chương trình CĐS trong thư viện sẽ là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, đồng bộ dữ liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến, đồng thời lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện; tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng 4.0.
Với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ số, từng bước bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại số, CĐS hệ thống thư viện là xu thế tất yếu nhằm từng bước nâng cấp, hoàn thiện và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, số hóa tài nguyên thông tin và sớm hình thành thư viện điện tử, thư viện số, đáp ứng hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí phục vụ nhu cầu bạn đọc thông qua không gian mạng, tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả,…