Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thư viện trường học và các quy định trong Dự thảo Luật Thư viện

31/07/2019 | 11:58

Thư viện trường học có vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên. Đối với học sinh, thư viện chính là môi trường giúp cho các em có được các trải nghiệm, hướng dẫn về phương pháp, kỹ năng đọc ngay từ thuở ấu thơ.

Thư viện trường học và các quy định trong Dự thảo Luật Thư viện - Ảnh 1.

Thư viện trường học cần phải được quy định cụ thể trong Luật Thư viện

Không thể có thói quen và lòng yêu đọc sách nếu các em không được tiếp cận với sách ngay từ khi học mẫu giáo. Thư viện trường học chính là môi trường để học sinh có thể đọc và tiếp cận với thông tin và tri thức gắn với học tập và giải trí.

Đối với sinh viên, thư viện giúp các em có được không gian và nguồn học liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và giải trí. Từ các thư viện đại học, cao đẳng các em được trang bị kiến thức thông tin và hướng dẫn các tra cứu, sử dụng vốn tài liệu, tri thức có hiệu quả.

Thư viện không chỉ là không gian vật chất mà còn là điểm kết nối học sinh, sinh viên với nguồn thông tin và tri thức ngoài thư viện thông qua các mục lục liên hợp, cơ sở dữ liệu và không gian mạng, góp phần hình thành văn hóa đọc học đường cho học sinh và sinh viên.

Tuyên ngôn của Liên đoàn quốc tế của các Tổ chức và Hiệp hội Thư viện (IFLA) về  thư viện trường học đã xác định: Mục tiêu của tất cả các thư viện của trường là tích cực đóng góp và chia sẻ kiến thức, phát triển các học sinh có kiến thức thông tin – những người có trách nhiệm và thành viên có đạo đức trong xã hội. Học sinh có kiến thức thông tin là những người có khả năng tự học hiệu quả, tự nhận thức được nhu cầu thông tin của họ và tích cực tham gia vào thế giới ý tưởng. Các bạn tự tin về khả năng giải quyết vấn đề, biết tìm thông tin liên quan và đáng tin cậy, có thể làm chủ các phương tiện công nghệ để truy cập thông tin và truyền đạt những gì đã học được. Các bạn cảm thấy thoải mái khi đối điện với các vấn đề, nhiều bạn đặt ra tiêu chuẩn cao cho công việc của mình và tạo ra các sản phẩm chất lượng. Học sinh có kiến thức thông tin là những người linh hoạt, có khả năng thích ứng với thay đổi và làm việc độc lập hay theo nhóm hiệu quả.

Ở Việt Nam, thư viện trường học chiếm số lượng rất lớn với 400 thư viện đại học và 26.000 thư viện trường phổ thông (chiếm 56% tổng số thư viện trên cả nước). Đây là loại hình thư viện mang tính đặc thù, có vị trí quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc của thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Với vai trò to lớn và tỷ trọng đó thư viện trường học cần phải được quy định cụ thể trong Luật Thư viện.

Quyền và nghĩa vụ của thư viện thuộc cơ sở giáo dục

Là một giảng viên trong ngành thư viện, tôi rất quan tâm đến việc xây dựng Luật thư viện và cảm nhận dự thảo của Luật đã không ngừng được hoàn thiện. Trong những phiên bản đầu những quy định về thư viện trường học được quy định gắn với quyền và nghĩa vụ (Điều 29), cụ thể như sau:

Thư viện thuộc cơ sở giáo dục có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của người dạy và người học tại cơ sở giáo dục. Ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này, thư viện thuộc cơ sở giáo dục có quyền và nghĩa vụ sau: 

1. Quyền và nghĩa vụ của thư viện thuộc cơ sở giáo dục đại học:

a) Được thu nhận luận văn, luận án, báo cáo khoa học của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, giảng viên của trường;

b) Xây dựng vốn tài liệu phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục;

c) Tổ chức khai thác vốn tài liệu thư viện; tạo các sản phẩm, tổ chức dịch vụ thư viện đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, thực hiện mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục đại học và sau đại học của cơ sở giáo dục.

2. Thư viện thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên:

a) Xây dựng vốn tài liệu phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục và đối tượng người học;

b) Tổ chức sử dụng vốn tài liệu thư viện nhằm mở rộng kiến thức và rèn luyện kỹ năng nghề, kỹ năng sống, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho người học, hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục.

c) Được hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và tiếp nhận sách luân chuyển từ thư viện công cộng.

3. Thư viện trực thuộc cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông:

a) Xây dựng vốn tài liệu phù hợp với mục tiêu, nội dung và chương trình học tập và giảng dạy của từng cấp học, bậc học, chương trình học góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong cơ sở giáo dục;

b) Tổ chức hoạt động nhằm khuyến đọc, hình thành thói quen đọc, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, sử dụng tài liệu thư viện để củng cố, mở rộng kiến thức cho học sinh;

c) Hướng dẫn sử dụng thông tin, hỗ trợ công tác giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên, hợp tác giảng dạy trong cơ sở giáo dục.

d) Được hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và tiếp nhận sách luân chuyển từ thư viện công cộng nếu đã thực hiện thủ tục thông báo.

Gần đây, trong phiên bản mới nhất được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội gửi đi lấy ý kiến, quy định quy định về thư viện trường học được quy định gắn với chức năng và nhiệm vụ (Điều 12), cụ thể như sau:

1. Thư viện cơ sở giáo dục là thư viện có vốn tài liệu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập; phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và học tập của người dạy, người học. Ngoài chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 3 của Luật này, thư viện cơ sở giáo dục có chức năng, nhiệm vụ sau:

2. Thư viện đại học

a) Tiếp nhận luận văn, luận án, kết quả khoa học của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, giảng viên của cơ sở giáo dục đại học;

b) Xây dựng vốn tài liệu phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình lĩnh vực, ngành đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học;

c) Tổ chức hoạt động khuyến đọc, phát triển và hoàn thiện kỹ năng thông tin; hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, sử dụng sản phẩm và dịch vụ thư viện để củng cố, mở rộng kiến thức cho giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; hỗ trợ hoặc triển khai các chương trình đào tạo từ xa;

d) Thực hiện liên thông trong hệ thống thư viện đại học; phối hợp với thư viện công cộng trên địa bàn và các thư viện chuyên ngành để tăng cường khả năng phục vụ người sử dụng;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục đại học giao.

2. Thư viện thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên:

a) Xây dựng vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dạy, người học, phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục;

c) Tổ chức các hoạt động khuyến đọc,  hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, sử dụng thư viện phát triển kỹ năng thông tin để mở rộng và nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dạy và người học;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác khác do cơ sở giáo dục giao.

3. Thư viện thuộc cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục khác:

a) Xây dựng vốn tài liệu bao gồm: sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh, ảnh giáo dục nghe nhìn và các tư liệu cần thiết cho giáo dục khác phù hợp với tâm lý lứa tuổi, năng lực đọc của học sinh,  phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dạy, người học, phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình học tập và giảng dạy của từng cấp học, bậc học, chương trình học;

b) Tổ chức hoạt động khuyến đọc, hình thành thói quen đọc, hướng dẫn sử dụng thư viện và kỹ năng đọc, trang bị kỹ năng thông tin mở rộng kiến thức cho giảng viên và học sinh.

c) Hỗ trợ công tác giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên;

d) Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục giao.

Thư viện trường học và các quy định trong Dự thảo Luật Thư viện - Ảnh 2.

Với cách quy định này, quan điểm phát triển thư viện gắn với phát triển văn hóa đọc đã được thể hiện rõ nét trong dự thảo luật. Và nếu so sánh với Luật thư viện trường học của Nhật Bản, dự thảo Luật Thư viện làn này có cùng cách tiếp cận. Tôi có thể viện dẫn điều 4, Luật của Nhật Bản theo văn bản dịch của anh Quốc Vương:  "Trường học có thư viện phục vụ nhu cầu sử dụng của học sinh và giáo viên thông qua các phương pháp chủ yếu như dưới đây.

Sưu tầm tư liệu thư viện, phục vụ việc sử dụng của học sinh và giáo viên. Hợp lý hóa sự phân loại, trưng bày tư liệu thư viện và xây dựng mục lục. Tiến hành các buổi đọc sách, các hội nghiên cứu, buổi chiếu phim, buổi triển lãm tư liệu… Hướng dẫn trẻ em, học sinh sử dụng tư liệu thư viện và sử dụng các thư viện trường học khác. Liên lạc mật thiết và hợp tác với các thư viện trường học, bảo tàng, nhà công dân và các thư viện khác…

Thư viện trường học có thể được sử dụng phục vụ công chúng nói chung trong giới hạn việc đó không gây trở ngại cho việc đạt được mục đích nói trên".

Trong dự thảo Luật Thư viện của Việt Nam hiện hành, việc cấu trúc các quy định về thư viện cơ sở giáo dục theo trình độ đào tạo sẽ tạo nên tính hệ thống, giúp cho việc áp dụng sau này thuận lợi hơn. Tuy nhiên, với điểm a khoản 3 của Điều 12 cũng cần quy định ở mức khái quát hơn để đảm bảo sự tương đồng với các khoản quy định về thư viện đại học và thư viện thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trong cùng 1 điều. Mặt khác để đảm bảo tính lô gic, việc sắp xếp các điểm trong các khoản cũng cần rà soát thêm cho nhất quán.

Cũng có một số ý kiến cho rằng nên tách điều này thành 2 điều: thư viện đại học và thư viện trường học. Từ góc nhìn của tôi nhận thấy: việc xây dựng luật thư viện phải đáp ứng yêu cầu hợp hiến, hợp pháp, không tạo ra xung đột với các luật đã ban hành. Vì thế, nếu theo như các phân định quốc tế, thư viện đại học sẽ bao gồm: thư viện đại học và cao đẳng. Trong khi theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành: giáo dục đại học không bao gồm cao đẳng. Cao đẳng thuộc về giáo dục nghề nghiệp và cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục bao gồm:Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác và Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Với quy định đó, việc quy định về thư viện cơ sở giảo dục với cấu trúc như dự thảo Luật Thư viện hiện nay là phù hợp và bao quát.

Chúng tôi tin tưởng rằng khi Luật thư viện được ban hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thư viện  nói chung và thư viện trường học và thúc đẩy văn hóa đọc, văn hóa đọc cho học sinh sinh viên nói riêng.


Ngọc Mai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×