Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch"

16/02/2019 | 23:32

Để phát triển, trong thời gian tới ngành du lịch cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ. Tiếp tục cách quảng bá truyền thống nhưng cần tận dụng cách quảng bá mới, sử dụng công nghệ. Đặc biệt, cần nâng cao hơn việc xây dựng hình ảnh "mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch".

Đó là một trong những nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu kết luận ở Hội nghị "Phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên" được tổ chức tại Thừa Thiên – Huế ngày 16/2.

Du lịch miền Trung như "hòn ngọc thô chưa được mài dũa"

Kết luận tại Hội nghị "Phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, miền Trung - Tây Nguyên hiện là nơi hội tụ và đại diện cho hầu hết các loại tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam như tài nguyên biển đảo, tài nguyên văn hóa lịch sử, tài nguyên sinh thái, tài nguyên núi rừng, hang động,... Đặc biệt là có 11 Di sản Văn hóa Thế giới ở trên dải đất có gần 2.000km bờ biển tốt nhất, đẹp nhất nước ta về bãi tắm, về nghỉ dưỡng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đây còn là nơi sinh sống của 47/54 dân tộc anh em. Chính điều này đã tạo ra một kho tàng văn hóa vô cùng đặc sắc. Là nơi giao thoa của các nền văn hóa Đông Tây và Kim cổ. Cùng với du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch văn hóa chiếm ưu thế và là một thế mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

"Không thể đếm hay có mỹ từ nào đủ để có thể nói hết và tô điểm hết được các tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung - Tây Nguyên. Du lịch ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đủ điều kiện cho phát triển các cụm ngành du lịch như: cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, cụm ngành du lịch văn hóa lịch sử, cụm ngành du lịch di sản, cụm ngành du lịch biển đảo, cụm ngành du lịch sinh thái, cụm ngành du lịch khám phá đồi núi, đặc biệt là cụm ngành khám phá hang động", Thủ tướng nhận định.

Theo Thủ tướng, tính chất giàu tài nguyên và di sản nơi đây cho thấy hội tụ đầy đủ các linh khí trời đất, là vùng đất thiên liêng nơi giao hòa giữa tự nhiên và con người. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch vùng đi đầu trong ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung như một "viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ giỏi xứng đáng".

Tuy vậy, việc nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là một bất lợi khiến chúng ta khó tìm được bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Nhiều tài nguyên đôi khi còn là cái bẫy dẫn đến sự thiếu quan tâm, chắt chiu đúng mực trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả, bởi tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái. Thủ tướng lấy ví dụ, khu vực miền Trung biển rất nhiều, rất đẹp nhưng môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng, rác thải nhựa và chất thải rắn vô số có thể làm mất đi tài nguyên vô giá này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch - Ảnh 2.

Hội nghị Phát triển Du lịch miền Trung Tây Nguyên.

"Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá cao kết quả du lịch miền Trung – Tây Nguyên đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng các địa phương, chúc mừng ngành du lịch Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Dù vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều vấn đề, nhưng ban đầu đã có những điều rất hy vọng. Chúng ta phải nhìn nhận một cách mạnh mẽ để có khát vọng tốt hơn, để phát triển du lịch Việt Nam.

Không để "chặt chém" khách thành thương hiệu

Nhìn nhận tổng thể, theo Thủ tướng, ngành du lịch miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước ta nói chung hiện đang còn mất cân đối, nhạt bản sắc hoặc sắc thái chưa ấn tượng, nói chung là thiếu một kiến trúc du lịch mang bản sắc Việt Nam rõ nét. Ngành du lịch còn chậm đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức. Ví dụ, rất lâu rồi chúng ta vẫn nghe những chủ đề cũ như "Con đường di sản miền Trung", "Kết nối di sản", những chủ đề này đã rất thành công nhưng có vẻ như chúng ta đang "ngủ quên trên vòng nguyệt quế".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch - Ảnh 3.

Quang cảnh của hội nghị.

Bên cạnh thực tế nguồn nhân lực du lịch không chỉ thiếu và yếu về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng, kỹ thuật mà còn có tồn tại tình trạng chèo kéo, "chặt chém" du khách, vấn nạn taxi dù, mất an ninh, lừa đảo,…đã làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thủ tướng đưa ra con số có 3,74 triệu tin, bài liên quan đến từ khóa "chặt chém" trên công cụ tìm kiếm và nêu ví dụ nhà hàng ở TP Nha Trang bán có một đĩa rau mà lấy của du khách 500.000 đồng. Rồi xích lô đi lòng vòng lúc đầu đưa giá 20.000 đồng sau lấy 200.000 đồng.

Thủ tướng đề nghị cần phải nhìn nhận vào khuyết điểm này, tăng cường việc quản lý những vấn đề này. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác, đến khả năng thu hút đầu tư và hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch. Đừng bao giờ để những từ chèo chặt chém trở thành thương hiệu ở một số địa phương Chúng ta phải giải quyết vấn đề môi trường du lịch tốt nhất nếu chúng ta muốn du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch

Để phát triển du lịch của vùng, Thủ tướng đã đặt ra 5 câu hỏi. Thứ nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn. Thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. Thứ tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Nhìn một cách tổng thể, Thủ tướng cho rằng nhiều năm qua ngành du lịch đã trả lời được một số câu hỏi. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc lắm và ngành du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm.

Thủ tướng đề nghị, các địa phương sau hội nghị này cần rà soát, phân tích lại xem tại nguyên du lịch hiện có đã được khai thác hiệu quả chưa? Đã được trao đúng "thợ kim hoàn" có năng lực và tiềm lực chưa?

Đi liền với đó cần phải thống kê, phân loại, xếp hạng và tổ chức các hoạt động khai thác, phân bổ, sử dụng các tài nguyên du lịch. Kiên quyết thu hồi các tài nguyên du lịch đã giao nhưng chủ đầu tư không đầu tư, không sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả làm hư hại.

Các địa phương cần tránh các phong trào trong đầu tư phát triển du lịch, thay vào đó phải biết làm cho sản phẩm du lịch của địa phương thêm độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục.

Để phát triển, ngành du lịch cần tăng cường ứng dụng công nghệ. Tiếp tục cách quảng bá truyền thống nhưng cần tận dụng cách quảng bá mới, sử dụng công nghệ. Đặc biệt, không có cách quảng bá nào hiệu quả hơn việc xây dựng hình ảnh "mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch".

Thủ tướng cũng nhắn nhủ các công ty du lịch Việt Nam lưu ý cần có sự tự hào, tính tự tôn dân tộc trong kinh doanh du lịch chứ không phải kinh doanh du lịch với bất cứ giá nào. Phải làm sâu sắc hơn hình ảnh quê hương, đất nước trước du khách, không thể hời hợt mà bán rẻ giá trị du lịch Việt Nam với thế giới.

Lê Chung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×