Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực di sản văn hóa được quy định như thế nào?

02/12/2019 | 12:52

Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực di sản văn hóa được quy định tại Điều 42 và Điều 43 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP.

Về thẩm quyền xử phạt:

Đối với cơ quan thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa thì thẩm quyền được quy định như sau:

1. Thanh tra viên chuyên ngành văn hóa đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc biện pháp khác quy định tại Chương II Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, trừ biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Chánh thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thẩm quyền;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc biện pháp khác quy định tại Chương II Nghị định số 75/2010/NĐ-CP.

3. Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thẩm quyền;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc biện pháp khác quy định tại Chương II Nghị định số 75/2010/NĐ-CP.

Về thủ tục xử phạt:

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm hành chính.

2. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt tại chỗ theo thủ tục xử phạt đơn giản quy định tại khoản 21 Điều 1 Pháp lệnh sử đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 2008 và tại Điều 21 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.

3. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền trên 200.000 đồng, người có thẩm quyền xử phạt phải kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính. Thủ tục lập biên bản, thời hạn ra quyết định xử phạt thực hiện theo quy định tại các Điều 22 và 23 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.

4. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi đó được quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP. Trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì có thể phạt thấp hơn, nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung tiền phạt đã được quy định. Trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt cao hơn, nhưng không được vượt mức tối đa của khung tiền phạt đã được quy định. Khi phạt tiền, phải công bố cho người bị phạt biết khung tiền phạt và mức phạt cụ thể.

5. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác. Quyết định xử phạt được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×