Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Xây dựng, hoàn thiện thể chế là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL
03/02/2023 | 08:27Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.
Chiều 2/2, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì cuộc họp triển khai Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 của Bộ VHTTDL. Tham dự cuộc họp có thủ trưởng và chuyên viên chuyên trách công tác xây dựng pháp luật các đơn vị tham mưu quản lý nhà nước của Bộ.
Bước đầu tháo gỡ được khó khăn, điểm nghẽn về thể chế
Theo Vụ Pháp chế, năm 2022 là năm mà Bộ VHTTDL có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được giao phải hoàn thành là khá lớn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan, năm 2022 ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả.
Trong đó, 3 dự án Luật đã được Quốc hội thông qua trong năm 2022 (gồm Luật Điện ảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) với sự đồng thuận tương đối cao về sự cần thiết ban hành cũng như các nội dung cơ bản mà Bộ đã trình.
Ba văn bản Luật đã được rà soát, đánh giá và Chính phủ đã đồng ý chủ trương lập đề nghị xây dựng là Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, Luật Nghệ thuật biểu diễn. Thời gian trình Chính phủ đề nghị xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là tháng 11/2022; đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo là tháng 11/2023; đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ được đưa vào thời điểm thích hợp.
Bảy Nghị định đã được Chính phủ ban hành, 1 đề nghị xây dựng Nghị định đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương và 20 Thông tư đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền.
Theo Vụ Pháp chế, các văn bản quan trọng đã được xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng kế hoạch. Công tác xây dựng pháp luật nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ không chỉ đối với văn bản do Bộ chủ trì mà đối với cả các văn bản của địa phương trong lĩnh vực quản lý.
Bên cạnh đó, sự phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội đã có cải thiện rõ rệt tạo thuận lợi rất lớn cho việc hoàn thành Chương trình. Quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật được bảo đảm. Đã bước đầu tháo gỡ được một số khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, góp phần thúc đẩy phát triển ngành.
Tuy nhiên, Vụ Pháp chế nêu rõ, vẫn còn một số hạn chế như một số văn bản chưa được ban hành theo đúng kế hoạch đã đề ra. Chất lượng một số văn bản ban hành còn hạn chế, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn dẫn đến khó áp dụng hoặc chưa đáp ứng được mục tiêu quản lý. Việc đánh giá, tổng kết thực tiễn làm căn cứ xây dựng pháp luật còn chưa sát, thiếu chặt chẽ, thiếu trọng tâm trọng điểm.
Về kế hoạch xây dựng và hoàn thiện thể chế của Ngành năm 2023, Vụ Pháp chế cho biết, đối với các dự án Luật, trong năm tới sẽ tập trung xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), năm 2023 phải cơ bản hoàn thành nội dung theo 3 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ phê duyệt; Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trình Chính phủ; Xây dựng báo cáo 5 năm thực hiện Luật Du lịch để có đề xuất cụ thể theo yêu cầu của Đảng tại Nghị quyết TW 6 khóa XIII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với các dự thảo Nghị định, năm 2023 là năm có số lượng rất lớn Nghị định mà Bộ phải tham mưu trình Chính phủ ban hành gồm 11 Nghị định cụ thể là: 4 Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua, Khen thưởng; 1 Nghị định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng dân cư quy định chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định xử phạt phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định về hoạt động văn học (trường hợp được Chính phủ đồng ý); Nghị định về quản lý bảo vệ và phát huy trị Di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập (trường hợp được Chính phủ đồng ý); Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Đối với các Thông tư của Bộ trưởng, năm 2023 có tổng số 54 Thông tư, trong đó tập trung hoàn thiện nhóm các Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực VHTTDL.
Tại cuộc họp, đại diễn lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trình bày những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong triển khai chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 cũng như nhiệm vụ năm 2023.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải nhận thức rõ vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức thấu đáo, tập trung công tác, phân công nhiệm vụ cho từng vị trí chuyên môn của đơn vị mình để tập trung cho nhiệm vụ quan trọng số một này.
Bên cạnh đó, phải bố trí cán bộ có trình độ năng lực, có hiểu biết về xây dựng pháp luật, hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình để thực hiện công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không được cử những người không có trình độ, năng lực, không có hiểu biết tham gia.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ cần tích cực phối hợp với nhau nhiều hơn nữa để. Các đơn vị thấy khó khăn vướng mắc ở vấn đề nào phải trao đổi thẳng thắn với Vụ Pháp chế. Vụ Pháp chế phải làm cầu nối đến các Bộ liên quan để triển khai thực hiện.
Để nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ VHTTDL trong năm nay cũng như các năm tiếp theo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị hết sức quan tâm đến việc đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách. Nhận thức những vấn đề bất cập, khó khăn, hạn chế còn tồn tại để đề xuất những chính sách mới cũng như báo cáo, đánh giá tác động của chính sách.
"Việc này cần được thực hiện một cách rất nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng "qua loa", "cho có", không phát huy vai trò tham mưu, đề xuất chính sách mới với các cấp có thẩm quyền", Thứ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các đơn vị tiếp thu, điều chỉnh và khắc phục vấn đề tồn tại để nâng cao chất lượng tham mưu việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm tới.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, một vấn đề mà lãnh đạo Bộ nhiều lần chỉ đạo đó là vấn đề truyền thông chính sách. Thứ trưởng yêu cầu phải làm tốt công tác truyền thống về chính sách cả trước, trong và sau khi chính sách được ban hành.
"Truyền thông trước là để tạo điều kiện cho chúng ta có được ý kiến, đề xuất về những nội dung để tổng hợp đưa vào trong chính sách, "trong" là theo quy định, chúng ta phải xin ý kiến góp ý và cũng là kênh để chúng ta có thêm thông tin để tiếp thu, phản biện và "sau" là để những quy định của pháp luật được đi vào đời sống thực tiễn và thực thi trong thực tế", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.
Thứ trưởng một lần nữa bày tỏ mong muốn việc truyền thông chính sách trong năm tới có sự đổi mới và có sự vào cuộc một cách quyết liệt hơn của các đơn vị. Không chỉ trách nhiệm của Vụ Pháp chế, Báo Văn hoá, Báo điện tử Tổ Quốc mà là trách nhiệm của tất cả các đơn vị thuộc Bộ.
"Nhiệm vụ truyền thông chính sách năm 2023 phải có sự đổi mới căn bản và phải có kết quả quyết liệt, rõ ràng và có hiệu quả thực tiễn hơn. Trong năm 2023 nhiệm vụ rất nặng nề, luật, nghị định và hệ thống thông tư đều nhiều hơn rất nhiều so với các năm trước đây nên cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Các đơn vị cùng có trách nhiệm, hỗ trợ nhau trong hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Bộ VHTTDL trong năm 2023", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.