Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bản sắc văn hóa- hành trang để hội nhập và phát triển bền vững

27/01/2020 | 10:14

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, để có thể nắm bắt được những cơ hội và vượt qua những thử thách, việc chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc có thể coi là một giải pháp hữu hiệu.

Bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia chính là cái riêng có, là "bộ nhận diện" mỗi quốc gia trên hành trình hội nhập. Bản sắc văn hóa Việt Nam hiện nay gồm những giá trị gì, có đóng góp như thế nào vào hành trình hội nhập và phát triển của đất nước? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông để làm rõ hơn vấn đề này.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bản sắc văn hóa- hành trang để hội nhập và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông

Thưa Thứ trưởng Tạ Quang Đông, hội nhập không phải là vấn đề mới đối với đất nước ta, nhưng gần đây, khái niệm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc để hội nhập được nhắc đến nhiều. Theo Thứ trưởng, bản sắc văn hóa giữ vai trò như thế nào trên con đường hội nhập?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Kể từ khi đất nước đổi mới, mở cửa (năm 1986) đến nay, văn hóa được Đảng xác định là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trên tinh thần đó, Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý để quản lý và dành sự quan tâm, đầu tư cả về nguồn lực vật chất và tinh thần để bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Xét về bản chất, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần, linh hồn, cốt cách, bản lĩnh của một dân tộc. Đây được coi là "dấu hiệu khác biệt về chất" giữa dân tộc này với dân tộc khác. UNESCO đã đưa ra một định nghĩa khái niệm văn hóa trên cơ sở nhấn mạnh tính đặc thù của bản sắc văn hóa dân tộc: "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động". Trong quan hệ quốc tế, bản sắc văn hóa dân tộc được xem như "thẻ căn cước", là cốt cách của mỗi dân tộc thể hiện trên mọi phương diện quan hệ ngoại giao về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

Hội nhập không đơn thuần chỉ về kinh tế mà trên thực tế, hội nhập bao gồm nhiều mặt. Theo đó, nếu coi nhẹ tính đặc thù của hội nhập văn hóa thì rất có thể sẽ bị các nền văn hóa khác đồng hóa. Tính đặc thù thể hiện ở chỗ, hội nhập không có nghĩa là hòa đồng, hòa nhập về văn hóa, mà cần có sự chọn lọc để làm sao hội nhập mà bản sắc văn hóa dân tộc vẫn phải được gìn giữ. Văn hóa là hồn cốt của một dân tộc. Một dân tộc mà không giữ được bản sắc văn hóa riêng, bị đồng hóa thì dần dần sẽ không còn dân tộc đó nữa.

Trước đây, thế giới hầu như chỉ biết đến Việt Nam là đất nước chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh, thì hơn chục năm trở lại đây, bạn bè năm châu đã biết đến Việt Nam là đất nước tươi đẹp, có chiều rộng và chiều sâu văn hóa. Thông qua hệ thống di sản văn hóa đồ sộ đang được gìn giữ, phát huy, được UNESCO vinh danh, như quần thể di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng (Quảng Bình), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ…Những di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO đưa lên "bản đồ" di sản thế giới góp phần làm nên "thương hiệu" của đất nước ta.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bản sắc văn hóa- hành trang để hội nhập và phát triển bền vững - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu tham quan Triển lãm Hồ chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế

Theo Thứ trưởng, những yếu tố nào quyết định giá trị của bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Dân tộc Việt ta có những phẩm chất nổi bật như: Ý chí độc lập, tự cường, gắn kết cộng đồng; khiêm tốn, chăm chỉ, sáng tạo, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa, trọng tình… Đó là những phẩm chất được trao truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa không phải là bất biến, luôn có sự trao đổi, tiếp biến với các nền văn hóa khác trong quá trình phát triển để tạo ra những giá trị mới phù hợp, tiên tiến hơn...

Trong quá trình tồn tại và phát triển, bản sắc văn hóa là yếu tố mang sức mạnh tinh thần dân tộc, giúp dân tộc vượt qua những thử thách của lịch sử. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang được nhiều quốc gia, dân tộc coi trọng và có những giải pháp cụ thể trong quá trình phát triển.

Bên cạnh chiến lược phát triển kinh tế với phương châm tích cực hội nhập quốc tế, Nhà nước ta cũng có chiến lược phát triển nền văn hóa - một nền văn hóa có hội nhập quốc tế, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Nghĩa là vừa giữ bản sắc dân tộc vừa chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình. Cũng từ góc nhìn văn hóa gắn kết với kinh tế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguyên nhân tụt hậu về kinh tế không chỉ nằm trong lĩnh vực kinh tế, mà còn có cả nguyên nhân về văn hóa - văn hóa hội nhập. Có nghĩa là, nếu không có văn hóa hội nhập thì quá trình hội nhập sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Có ý kiến cho rằng, bản sắc văn hóa hiện đang là điều còn thiếu và yếu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đây lại là lĩnh vực có sức ảnh hưởng và hội nhập sâu rộng. Thứ trưởng có nhận xét gì về nhận định này và giải pháp nào để khắc phục những điểm yếu đó, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Vấn đề bản sắc văn hóa đã và vẫn luôn được những người làm công tác văn hóa, những văn nghệ sĩ quan tâm, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Đơn cử tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI vừa được tổ chức cuối tháng 11 năm 2019 tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, vấn đề làm thế nào để điện ảnh Việt hội nhập với thế giới thì các nhà nghiên cứu, các nhà làm phim, nghệ sĩ đã chỉ ra rằng, điện ảnh phải có bản sắc văn hóa.

Bản sắc văn hóa ở điện ảnh Việt Nam, có thể nhìn lại những năm cuối thập niên 1980 và nửa đầu thập niên những năm 1990. Ở thời kỳ này các tác giả làm phim đã được hưởng không khí tự do, trở nên dám nghĩ, dám nói hơn sau khi cả nước bước vào Thời kỳ Đổi Mới. Thành tựu điện ảnh thời kỳ đó, để giúp bạn bè và giới điện ảnh thế giới hiểu biết hơn về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh chúng ta có "Ngã ba Đồng Lộc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, "Đời cát" và "Người đàn bà mộng du" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Để hiểu về người nông dân Việt Nam "hai sương một nắng" nay vẫn còn nghèo, còn cơ cực trong cơ chế thị trường, điện ảnh Việt Nam có "Thời xa vắng" của đạo diễn Hồ Quang Minh, "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Nói về những thử thách của con người Việt Nam bước từ chiến tranh sang những năm hậu chiến, rồi chuyển sang cơ chế thị trường chúng ta có "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, "Quyên" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, "Những người thợ xẻ", "Rừng đen" của đạo diễn Vương Đức…

Đó là những bộ phim được đánh giá là có nghề, thực sự cung cấp cho bè bạn thế giới nói chung và màn ảnh thế giới nói riêng bức tranh toàn cảnh in dấu ấn khá rõ của một "bản sắc dân tộc" Việt Nam chúng ta.

Để khắc phục được thực trạng còn thiếu bản sắc như hiện nay, điều khó nhất không phải chỉ dừng lại ở sự nhận thức về bản sắc văn hóa. Điều tiếp theo chính là sự thể hiện thái độ đối với văn hóa dân tộc. Sự thể hiện thái độ này sẽ dẫn đến hành động, mỗi người làm văn hóa, làm nghệ thuật sẽ đưa bản sắc văn hóa vào sản phẩm của mình như thế nào.

Đối với sân khấu, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thế nào mà vẫn đưa sân khấu theo kịp thời đại, đáp ứng nhu cầu quần chúng hiện nay khi hoàn cảnh xã hội đang nhanh chóng phát triển, khi trình độ dân trí ngày một nâng cao.

Nói đến bản sắc văn hóa là phải nói đến các quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế. Vấn đề là làm sao biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tinh tế để tạo nên sự chuyển hóa hoặc tiếp nhận tốt nhất.

Tôi nghĩ đó là những điều cần suy ngẫm đối với tất cả chúng ta, không chỉ những ai đang đứng trên mặt trận văn hóa!

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×