Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Tập trung vào các định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch Việt Nam
01/04/2022 | 14:20Sáng ngày 1/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2022) đã diễn ra Diễn đàn Du lịch Việt Nam 2022: Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới. Dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Tập trung vào các định hướng mới, hành động mới
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung; hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan.
Tuy nhiên từ tháng 10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" được ban hành đã tạo cơ hội cho sự phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có du lịch. Đặc biệt, từ ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam đã mở cửa lại hoạt động du lịch. Đây là dấu mốc quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng, cũng như việc phục hồi kinh tế xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành Du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành. Đây là nhiệm vụ và thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn này, Thứ trưởng đề nghị các diễn giả, đại biểu tham dự thảo luận, làm rõ về các định hướng mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới như: định hướng về chính sách; đầu tư; sản phẩm và thị trường; huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực.
"Ví dụ, các chính sách Nhà nước cần hướng đến giải quyết những nội dung cụ thể nào? Hay những dòng sản phẩm nào sẽ là dòng sản phẩm chủ đạo hấp dẫn để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam" - Thứ trưởng gợi mở.
Về các giải pháp và hành động cụ thể cho việc khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị làm rõ đâu là các giải pháp cốt lõi, đâu là giải pháp trước mắt, đâu là các giải pháp lâu dài và các hành động chúng ta cần thực hiện ngay để phục hồi ngành du lịch nhanh nhất trong điều kiện bình thường mới?.
Vấn đề tiếp theo là đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan, các cơ quan quản lý du lịch các cấp để có thể nhanh chóng hành động, triển khai thực hiện các giải pháp cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
"Bộ VHTTDL mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, những đề xuất có tính thực tiễn tập trung vào các định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch Việt Nam một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, sớm đưa hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường" - Thứ trưởng bày tỏ.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, Bộ sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch, đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị đã xác định.
5 định hướng phục hồi du lịch Việt Nam thời gian tới
Tham luận tại Diễn đàn của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh về 5 định hướng phục hồi du lịch Việt Nam thời gian tới.
Thứ nhất là định hướng về thị trường. Đó là khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch (năm 2019).
Định hướng thứ hai về sản phẩm tập trung vào: Sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Thứ ba là xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động E-marketing để phát huy tối đa hiệu quả cho việc phục hồi và phát triển du lịch.
Định hướng thứ tư là về chuyển đổi số trong ngành du lịch. Trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch.
Định hướng cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực cho việc phục hồi du lịch. Trong đó, tập trung tăng cường tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại lao động trong ngành; chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong cung cấp dịch vụ; Có chính sách đãi ngộ lao động chất lượng cao, lao động đặc thù.
Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khôi phục nhanh ngành du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành Du lịch.
"Để phục hồi và phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, Du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động. Đó là một công việc rất khó khăn phức tạp mà toàn ngành phải vào cuộc và Diễn đàn hôm nay là một hoạt động bàn về những vấn đề cấp bách đó" - ông Vũ Thế Bình cho hay.