Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chống giặc ngoại xâm cam go, chống “giặc dịch” cũng đầy khó khăn, thử thách
03/04/2020 | 14:29Hai tháng qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội không một ngày nào không bàn về chống "giặc Covid-19"
Ngay từ đầu, sau khi Trung Quốc công bố dịch Covid-19 thì Nhà nước Việt Nam của chúng ta (Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ) cũng đã có những nhận thức ban đầu hết sức đúng đắn. Cũng từ đó, khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" đã xuất hiện.
Khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" được đưa ra ngay từ khi Việt Nam chưa có một người nào nhiễm Covid-19. Điều này chứng tỏ Đảng, Nhà nước ta đã có nhận thức rất sớm, chính xác về sự nguy hiểm mà Covid-19 có thể gây ra cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Nhân dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay đã trải qua 3 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Người Việt Nam dù trẻ hay có tuổi đều hiểu và nhận thức được thảm họa của giặc reo rắc lên đất nước Việt Nam chúng ta trong 3 giai đoạn đó. Hiểu rằng nó nguy hiểm thế nào, đe dọa tính mạng, cuộc sống của người dân ra sao.
Vì thế, việc Đảng, Nhà nước ta ra khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" tại thời điểm cách đây 2 tháng là đã nhận thức rất sớm về sự nguy hiểm do virus Covid-19 gây ra.
Có thể nói, chưa có một quốc gia nào trên thế giới đưa ra một tư tưởng chỉ đạo sâu sắc như vậy, kể cả Trung Quốc là nơi đầu tiên xuất hiện virus Covid-19.
Quan trọng hơn, khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" đã thể hiện được quan điểm nhân văn của Nhà nước ta, đó là sự lo lắng cho tính mạng của người dân, đặt tính mạng của người dân lên trên hết. Sâu xa hơn nữa là trách nhiệm của Nhà nước đối với cuộc sống bình yên của người dân, với xã hội.
Có lẽ trên thế giới này không có quốc gia nào làm được như Việt Nam. Những người lãnh đạo của chúng ta đã "đắm mình" trong cuộc chiến chống dịch trong 2 tháng qua. Chính cuộc chống dịch Covid-19 này đã góp phần củng cố lòng tin của đảng viên đối với Đảng, của người dân đối với Đảng và Nhà nước chúng ta.
Hai tháng qua, Bộ Chính trị, Chính Phủ, Quốc hội cùng các cấp các ngành từ Trung ương tới địa phương đã không một ngày nào không đề cập đến việc chống "giặc Covid-19". Bất kể ngày nào họp, nhà nước chủ trì, đều bàn về vấn đề này.
Thời kỳ chống Mỹ, chống Pháp có lẽ thời lượng phát sóng của phát thanh và truyền hình đưa tin về chiến trường cũng không lớn bằng lượng tin truyền thông về Covid -19 trong thời gian qua.
Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo. Ban chỉ đạo trong 2 tháng qua gần như ngày nào cũng họp và họp bất kể ngày đêm: họp trực tuyến, họp Chính phủ, họp các cơ quan Trung ương và địa phương…
Chúng ta đã đã truyền thông rất tốt về chống dịch Covid-19. Đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh: các nhà báo cũng là chiến sĩ trên mặt trận.
Ý nghĩa cả hệ thống chính trị vào cuộc là vì thế, là tác động đến ý thức, trách nhiệm của từng người dân.
Điều này cho thấy chúng ta đã không chỉ nhận thức mà còn ra quân đồng bộ.
Việt Nam có biên giới chung với Trung Quốc, quan hệ với Lào, Campuchia, với các nước ASEAN… Điều này cho thấy chúng ta khó khăn hơn so với các nước ASEAN trong phòng chống dịch Covid-19. Dù vậy, đáng mừng là cho tới nay con số nhiễm virus Covid-19 đang thấp hơn so với nhiều nước và chưa có trường hợp nào tử vong.
Cả thế giới và Việt Nam đều ghi nhận những đóng góp to lớn và ý nghĩa của lực lượng chuyên môn, lực lượng trực tiếp xung kích chống "giặc Covid- 19" gồm các giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế – những chiến sĩ có tay nghề và đã không quản ngại xả thân cứu người, ngày đêm lầm lũi chăm sóc bệnh nhân dương tính với virus Covid-19... Việt Nam chúng ta là một trong 45 quốc gia đầu tiên chế tạo ra Kít thử Covid-19.
Một số người nước ngoài nhiễm Covid-19 cũng được các bác sỹ Việt Nam tận tình chữa bệnh Thậm chí, cảm nhận được sự chăm sóc tận tình đó mà các bệnh nhân người nước ngoài sau khi ra viện đã gửi thư cảm ơn bằng sự xúc động từ tận đáy lòng…
Qua đây, chúng ta tự hào về bản tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Ngay cả cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận điều này. Tôi cho đây là thành công lớn.
Covid-19 tại thời điểm này theo nhận định của tôi thì chưa phải là đỉnh dịch ở Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng chúng ta không được chủ quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam... hàng ngày vẫn nhắc các cơ quan ban ngành không được lơ là. Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận, đề phòng và chuẩn bị mọi phương án có thể xảy ra.
Chống giặc ngoại xâm cam go, chống "giặc dịch" cũng đầy khó khăn, thử thách. Chúng ta đang chống "giặc dịch" dựa trên cơ sở thế và lực của đất nước chúng ta hiện đã khác so với những năm tháng chiến tranh trước đây. Thêm nữa là quan hệ đối ngoại của chúng ta đang rất mở rộng.
Người dân Việt Nam cũng đã ý thức được rất rõ sự nguy hiểm của virus Covid-19 do dịch bệnh này đã và đang đe dọa tính mạng của hàng triệu người trên hành tinh.
Dù vậy, thời chống giặc Pháp, giặc Mỹ rất khác bây giờ. Khi đó, kẻ thù hiển hiện đe dọa mạng sống của dân tộc. Và truyền thống bất khuất của dân tộc trỗi dậy trong mỗi con người Việt Nam nên ai cũng đều có sức bật tự nhiên để chống giặc, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", dù là trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".
Trong khi đó, chống "giặc dịch" thì chúng ta chưa có truyền thống. Dù chúng ta từng có một số lần chống dịch như dịch Sars nhưng chưa tạo thành nếp suy nghĩ thường trực như chống giặc. Khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc" nhưng trong tâm tư sâu thẳm của mỗi người dân không phải ai cũng nhận thức được như vậy. Cũng vì thế, thời nay, sự tham gia chống "giặc dịch" của mỗi người dân không thể "nóng" như chống giặc Pháp, giặc Mỹ trước đây.
Điều khó khăn tiếp theo nữa là tất cả cuộc kháng chiến của chúng ta trước đây diễn ra trong cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Chống giặc trong cơ chế này thì huy động nguồn lực dễ lắm vì cả dân tộc ai cũng sẵn sàng ra trận. "Đường ra trận mùa này đẹp lắm"! Người nông dân sẵn sàng dỡ nhà để làm đường cho xe ra tiền tuyến…Các đồng chí ủy viên trung ương, ủy viên bộ chính trị, bộ trưởng… cũng sẵn sàng đeo ba lô ra trận, con cái họ cũng ra trận.
Thời xưa, một người đi ra khỏi nhà là ngày hôm sau cả làng, cả xóm biết rồi. Còn bây giờ thì khác, người nào đó ra khỏi nhà đi làm ăn xa cả năm thì cũng chẳng ai biết và quan tâm. Vì thế mà tôi cho rằng thời nay khó khăn trong việc huy động lực lượng hơn. Một khi lợi ích kinh tế được đặt lên bàn cân thì có nghĩa là trong khi đại đa số thực hiện quy định luật pháp thì vẫn có một số người bất chấp. Đây là cái khó của chống "giặc dịch" hiện nay so với thời kỳ ba kháng chiến.
Bây giờ chúng ta đang "chống giặc dịch" ở thời kỳ cơ chế thì trường. Chúng ta vừa chống dịch vừa phải lo trang trải cuộc sống. Ai cũng phải làm ăn, kinh doanh để kiếm sống. Cũng vì điều này mà bị chia sẻ cả về nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn. Nhưng dù sao trong điều kiện khó khăn như vậy mà Đảng, Nhà nước ta đã tập trung chống "giặc dịch Covid-19" như trong 2 tháng vừa qua đã là một thành công quá lớn.
Hà Giang
Ảnh: Nam Nguyễn