Thêm 5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
30/12/2022 | 14:43Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 13) đối với 5 di tích.
Cụ thể, 5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm:
1. Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai)
Nằm trên địa bàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, phức hợp di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng - Gò Đá gồm di tích Gò Đá ở phường An Bình và 12 di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Trong đó, 4 địa điểm đã khai quật là Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Số còn lại đều đã đào thám sát và xác nhận thuộc cùng phức hợp với Rộc Tưng - Gò Đá. Năm 2020, Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định xếp hạng quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai là di tích quốc gia.
2. Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi)
Văn hóa Sa Huỳnh là một trong 3 di sản văn hóa nổi tiếng thế giới của Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và Óc Eo. Địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Sa Huỳnh là ở khu vực thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tại Quảng Ngãi, nền văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, một đầm nước ngọt có số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc)... Những giá trị của di vật này tiếp tục thu hút các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước đến khảo sát. Năm 1997, di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia với hai khu vực được bảo vệ là Phú Khương và Gò Ma Vương (ở xã Phổ Thạnh, và Phổ Khánh).
3. Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)
Đình Hương Canh thuộc thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 29/VH-QĐ ngày 13.1.1964 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL). Đình cách Trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 5km, nằm trong lõi trung tâm của huyện lỵ huyện Bình Xuyên, cách Hà Nội chừng 40km về phía Tây Bắc. Đình Hương Canh được xây dựng và khoảng đầu thế kỷ XVIII có kiến trúc hình chữ Vương, đình gồm ba toàn Tiền Tế, Trung Tế (Đại đình) và Hậu cung. Từ năm 2007 đến 2010 đình được tu bổ theo chương trình mục tiêu Quốc gia chống xuống cấp di tích, với nguyên tắc bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc kiến trúc di tích và dáng vẻ của di tích, sử dụng vật liệu gỗ truyền thống, tôn nền, tăng khả năng chống chịu mối mọt và ảnh hưởng của khí hậu đối với các tác phẩm điêu khắc trang trí có niên đại cuối thời Lê, đầu Nguyễn của đình.
4. Di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)
Khu di tích vua Mai Hắc Đế nằm ở ven sông Lam, thuộc địa phận thị trấn Nam Đàn, Huyên Nam Đàn, thành Phố Vinh, Nghệ An. Khu di tích Mai Hắc Đế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Tại khu di tích này có 3 hạng mục là đền Vua Mai, cách đền khoảng 3km là mộ Vua Mai và mộ mẹ Vua.
5. Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)
Di tích Chiến thắng Ấp Bắc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1993. Khu di tích tọa lạc tại xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Geneve vào ngày 2.1.1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Di tích gồm 2 phân khu chức năng. Khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ 3 chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng. Khu vực 2 gồm có nhà trưng bày hiện vật, phía dưới là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên được trồng cây cảnh; phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.
Quyết định nêu rõ, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.