Thể thao Việt Nam sẽ đề cao chất lượng hơn số lượng tại đấu trường Olympic
24/03/2020 | 08:33Thể thao Việt Nam đề cao chất lượng vận động viên tham dự hơn số lượng trong mục tiêu hướng tới Olympic Tokyo 2020 là một trong những định hướng quan trọng khi tham gia đấu trường
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều giải đấu thể thao lớn trên thế giới bị ảnh hưởng, trong đó có Olympic 2020 dự kiến được tổ chức vào tháng 7 tới đây tại Nhật Bản. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thừa nhận, Olympic 2020 có thể bị hoãn vì đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát dữ dội. Tuy nhiên, mọi quyết định sẽ được đưa vào tháng 4 tới đây tùy vào tình hình dịch bệnh.
Không chỉ ảnh hưởng tới vòng chung kết, dịch Covid-19 cũng khiến các giải đấu vòng loại nhằm tuyển chọn VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic gặp khó khăn khi phải lùi hoặc hoãn. Việt Nam hiện đang có 5 VĐV đạt chuẩn, giành vé tham dự Olympic gồm kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (đạt hai chuẩn Olympic cự ly 400 m và 1.500 m tự do); vận động viên thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng; hai vận động viên bắn cung là Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ; võ sỹ Boxing Việt Nam Nguyễn Văn Đương. Con số này mới chỉ đạt được 1/4 so với dự kiến ban đầu là 20 VĐV.
"Ở thời điểm hiện tại, dịch đang diễn biến rất phức tạp cho nên tất cả những kế hoạch, đặc biệt kế hoạch năm 2020 mà nhiệm vụ trọng tâm là Olympic hầu hết bị ảnh hưởng. Có thể nói , chúng ta cơ bản không còn xử lý được bất cứ việc gì bởi những vòng loại liên quan đến VĐV của chúng ta gồm thi đấu để lấy chuẩn, tích điểm đều đã bị dừng lại" - ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết.
Cùng với các VĐV trọng điểm khác, 5 VĐV đạt chuẩn của Việt Nam hiện đang tập trung ở những trung tâm huấn luyện vừa tập huấn vừa theo dõi thực tế của bệnh dịch. Trong trường hợp nếu bệnh dịch thuyên giảm và kế hoạch của các quốc gia, liên đoàn hiệp hội thể thao quốc tế tiếp tục tổ chức vòng loại thì thể thao Việt Nam vẫn còn cơ hội.
"Tuy nhiên đến thời điểm này là tháng 3 mà Olympic tổ chức cuối tháng 7, còn lại 4 tháng. Trong thời điểm 4 tháng này thời gian không còn đủ. Do vậy, việc thi đấu lấy chuẩn của các VĐV là rất khó khăn. Vì thế chúng tôi cũng điều chỉnh kế hoạch của các VĐV theo thực tế diễn biến của tình hình dịch và chỉ đạo các ban huấn luyện duy trì kết hoạch tâp luyện nhưng mà là duy trì trong nước. Còn lại những giải đấu liên quan đến VĐV của mình ở nước ngoài thì hiện nay chúng ta gần như không thực hiện được bất kì một giải đấu nào, thậm chí có những giải đấu đang thi đấu vòng loại cũng phải dừng. Cho nên, đối với ngành hiện tại chỉ có một phương án duy nhát là đảm bảo an toàn một cách tuyệt đối cho các VĐV, HLV"- ông Trần Đức Phấn nói.
Thông qua đấu trường lớn để hướng tới mục tiêu kép
Được biết, 5 VĐV đạt chuẩn của Việt Nam hiện tại đều đang có kế hoạch tập luyện riêng để chuẩn bị cho giải đấu lớn. Dù ảnh hưởng của dịch khiến các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp, nhưng trên cơ sở kế hoạch riêng này, Tổng cục TDTT đã đưa ra phương pháp là trao đổi hàng ngày giữa chuyên gia và ban huấn luyện để thay đổi giáo án phù hợp.
Theo đánh giá của Tổng cục TDTT, nếu Olympic vẫn khai mạc như đã dự kiến vào ngày 24/7 tại Nhật Bản thì Ủy bản Olympic sẽ phải có giải pháp để tuyển chọn VĐV của các môn bởi vẫn còn nhiều châu lục chưa hoàn thành chuẩn. Cụ thể, việc tuyển chọn sẽ dựa trên cơ sở VĐV thi đấu tích điểm và có số điểm cận với số điểm đạt chuẩn.
"Dẫu vậy, chúng tôi cũng cho rằng việc tổ chức Olympic tới đây tương đối khó bởi tình hình dịch ở các quốc gia đang phức tạp, mà toàn quốc gia hàng đầu của Olympic như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mĩ, Pháp… nên khả năng lui lại hoàn toàn có thể xảy ra. Nên phương án tuyển chọn có thể diễn ra hoặc không. Trong trường hợp không tuyển chọn thì phải lùi thi đấu vòng loại để VĐV có cơ hội tích đủ điểm. Đối với chúng ta thì phải chủ động cho VĐV của mình" - ông Trần Đức Phấn cho biết.
Dẫu vậy, vị trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội Thể thao cũng cho rằng, đai hội thể thao Olympic không chỉ là cơ hội làm nên lịch sử mà còn được xem như bàn đạp chất lượng của thể thao Việt Nam tới các mục tiêu kép trong tương lai gồm SEA Games 31 và ASIAD 2022: "Chúng ta chuẩn bị cho VĐV của mình đến Olympic không chỉ là lấy huy chương mà còn chuẩn bị cho mục tiêu kép là SEA Games tại Việt Nam và đặc biệt là ASIAD 2022. Chúng ta không quan trọng số lượng mà quan tâm đến chất lượng. Có nghĩa rằng chúng ta phải đạt được mục tiêu là tấn công vào đấu trường ASIAD để nâng tầm thể thao Việt Nam lên còn đấu trường Olympic là đấu trường quá lớn. VĐV chúng ta đến đó không hoàn toàn là tranh huy chương nên mục tiêu chúng ta đặt ra có thể hoặc không hoàn thành. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là chất lượng hay nói cách khác là thành tích của VĐV tham dự"./.