Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự ASEAN Para Games: Nơi nghị lực phi thường sẽ tỏa sáng

26/07/2022 | 10:22

10h20 ngày 26/7, chuyên cơ của hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ đưa Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường tham dự Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á (ASEAN Para Games) dành cho người khuyết tật, tổ chức tại thành phố Solo (Indonesia) từ 30/7 đến ngày 7/8.

Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự ASEAN Para Games: Nơi nghị lực phi thường sẽ tỏa sáng - Ảnh 1.

Thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường với quyết tâm cao nhất.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường tham dự Đại hội với thành phần gồm 153 thành viên, trong đó có 15 cán bộ đoàn (Trưởng, Phó đoàn, Cán bộ đoàn, Bác sỹ và phiên dịch); 18 HLV và 120 VĐV. Đoàn sẽ tham gia tranh tài ở 8 môn thể thao trong tổng số 14 môn thi đấu của Đại hội.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các VĐV

Nếu theo lộ trình di chuyển bình thường, Đoàn sẽ mất 2 ngày mới có thể đến được Solo nhưng việc di chuyển như thế sẽ làm mất nhiều sức lực, nhất là với các VĐV thể thao người khuyết tật. Vì thế Bộ VHTTDL đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc di chuyển của các VĐV đặc biệt bằng một chuyến bay thẳng tới nơi tổ chức Đại hội. Dẫn dắt Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh.

Trước khi lên đường, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: "Tiếp nối thành công của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại các kỳ Đại hội trước, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ chính thức tham dự ASEAN Para Games Solo 2022, một sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất khu vực có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang đậm tính nhân văn, nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đây cũng là đấu trường rất quyết liệt, quy tụ nhiều VĐV khuyết tật hàng đầu trong khu vực và sẽ là cơ hội lớn để các VĐV người khuyết tật Việt Nam thể hiện nghị lực phi thường, vượt qua những trở ngại của bản thân, tự tin vươn lên vượt qua chính mình, đồng thời giúp họ khẳng định khát vọng chiến thắng, hòa nhập và cống hiến".

Theo quyết định do Bộ VHTTDL ban hành, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường tham dự Đại hội với thành phần gồm 153 thành viên, trong đó có 15 cán bộ đoàn (Trưởng, Phó đoàn, Cán bộ đoàn, Bác sỹ và phiên dịch); 18 HLV và 120 VĐV. Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ tham gia tranh tài ở 8 môn thể thao trong tổng số 14 môn thi đấu của Đại hội. Trong đó môn Điền kinh gồm 32 VĐV, 1 VĐV dẫn đường và 5 HLV; môn Bơi (29 VĐV, 3 HLV); môn Cử tạ (11 VĐV, 2 HLV); môn Cầu lông (11 VĐV, 2 HLV); môn Bóng bàn (14 VĐV, 2 HLV); môn Cờ vua (17 VĐV, 2 HLV); môn Judo (4 VĐV, 1 HLV); môn Bắn cung (1 VĐV, 1 HLV).

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Có thể nói, đây là kỳ Đại hội có rất nhiều khó khăn cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam, do diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh Covid-19 nên trong suốt hơn 3 năm qua các VĐV người khuyết tật Việt Nam không được thi đấu cọ xát quốc tế, chỉ một số rất ít các VĐV đặc biệt xuất sắc mới được tham gia các giải thế giới và Paralympic Tokyo 2020, đồng thời nhiều giải thể thao người khuyết tật trong nước cũng bị hoãn, huỷ nên công tác tuyển chọn các VĐV xuất sắc nhất tham dự Đại hội cũng gặp những khó khăn. Công tác tập huấn chuẩn bị về chuyên môn và thể lực cho các VĐV cũng bị hạn chế, chỉ những VĐV xuất sắc chuẩn bị cho các giải thế giới, Asian Para Games và Paralympic mới tập huấn dài hạn do đó các nội dung thi đấu đôi, đồng đội, tiếp sức không được tập luyện cùng nhau nên ảnh hưởng đến khả năng phối hợp và chiến thuật trong thi đấu.

"Tuy nhiên với sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng của các địa phương, đơn vị liên quan, sự chuẩn bị tích cực, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, HLV, VĐV Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam, đến nay công tác chuẩn bị cho Đoàn đã cơ bản hoàn tất, về công tác chuyên môn cũng như các thủ tục đăng ký tham dự, làm thẻ cho đoàn, lịch trình di chuyển của đoàn từ Việt Nam đến Solo (Indonesia) và ngược lại", ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cũng nhấn mạnh, dù gặp khó khăn nhưng Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ cố gắng nỗ lực thi đấu hết mình, phấn đấu giành thành tích cao nhất, mang vinh quang về cho Tổ quốc, luôn đoàn kết với tinh thần tổ chức kỷ luật cao, tuân thủ những quy định và pháp luật của quốc gia đăng cai, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tại ASEAN Para Games 11 lần này chúng ta sẽ tiếp tục gặp lại những gương mặt đã gắn bó với thành tích của thể thao người khuyết tật Việt Nam trong nhiều năm qua như Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (Điền kinh); Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như (Bơi); Lê Văn Công, Nguyễn Bình An (Cử tạ)… Bên cạnh đó cũng là sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới, được tuyển chọn trong thời gian qua. Thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ tập trung vào các môn thế mạnh là Bơi, Cử tạ, Điền kinh để tranh tài với VĐV của 10 quốc gia trong khu vực.

Việc tập luyện thể thao thành tích cao với các VĐV bình thường đã là khó nhọc, với các VĐV khuyết tật, để vượt qua chính mình, lại càng khó khăn hơn. Điều đáng nói, đa phần các VĐV khuyết tật của thể thao Việt Nam đều có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng thể thao đã giúp họ có cơ hội tỏa sáng, thi đấu, cống hiến. Và họ đang làm hết sức mình để tiếp tục tỏa sáng tại ASEAN Para Games lần này.

Mỗi một kỳ Đại hội rồi cũng sẽ qua đi nhưng điều đọng lại lớn nhất chính là những tấm gương về tinh thần và nghị lực thi đấu phi thường của các VĐV. Ở đó chúng ta sẽ học được nhiều điều để biết chia sẻ, biết yêu thương và vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Và ở đó những tấm lòng nhân hậu, những tấm gương về sự hy sinh để khổ luyện rồi tỏa sáng sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×