Thể thao điện tử Việt Nam nỗ lực vươn ra quốc tế
07/07/2025 | 11:07Sau khi du nhập vào Việt Nam, thể thao điện tử (eSports) phát triển nhanh chóng. Đồng hành với xu hướng đó, Hiệp hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) đã và đang đóng vai trò trung tâm trong việc định hình lộ trình chuyên nghiệp hóa, từng bước vươn ra các đấu trường quốc tế.

Đội tuyển eSports Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 31. (Ảnh CELLPHONES)
Chuyên nghiệp hóa và dấu ấn quốc tế
VIRESA đóng vai trò xây dựng hệ thống thi đấu, quy chế kỹ thuật, luật lệ, đào tạo nhân sự, đồng thời đại diện cho Việt Nam trong các hoạt động hợp tác quốc tế.
Từ năm 2020 đến nay, VIRESA đã liên tục cải tiến bộ khung vận hành: ban hành quy chế cho các tựa game phổ biến như Mobile Legends với: Bang Bang, Liên minh huyền thoại (League of Legends), Audition PC, PUBG Mobile...; đồng thời tổ chức hàng loạt giải đấu từ cấp địa phương đến quốc gia.
Năm 2025 được VIRESA đánh giá là “năm bản lề” khi Việt Nam tham dự nhiều sự kiện thể thao quốc tế quan trọng: SEA Games 33; vòng tuyển World Esports Games - tiền thân Olympic eSports tổ chức tại Saudi Arabia vào năm 2027.
Đây là bước ngoặt mang tính chiến lược, không chỉ thể hiện năng lực thi đấu mà còn là dịp để eSports Việt Nam định vị thương hiệu trên bản đồ thế giới.
Trong bối cảnh đó, các chương trình hợp tác đào tạo nhân lực được đẩy mạnh, đáng chú ý là các bản ghi nhớ với KeSPA (Hàn Quốc), FPT Polytechnic, cùng các trường đại học về phát triển hạ tầng phygital - thể thao thể chất số với sự kết hợp của thể thao điện tử (eSports hay digital sports) và thể thao hoạt động thể chất (physical sports) được triển khai từ năm 2024 nhằm hội nhập xu thế mới của eSports thế giới.
Việt Nam chính thức bước vào sân chơi eSports quốc tế từ SEA Games 30 và ngay lập tức gặt hái những thành công.
Tại SEA Games 31 trên sân nhà, các đội tuyển Việt Nam đã giành tổng cộng 4 Huy chương Vàng ở các nội dung Mobile Legends, Free Fire, PUBG Mobile và Liên quân Mobile.
Một năm sau, tại SEA Games 32 ở Campuchia, Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng với tấm Huy chương Vàng nội dung Liên minh huyền thoại và Huy chương Bạc nội dung Tốc chiến.
Không chỉ tại khu vực Đông Nam Á, các vận động viên Việt Nam còn ghi dấu ở đấu trường châu lục. Tại Asian eSports Games 2024, đội tuyển Arena of Valor giành Huy chương Bạc, còn các tuyển thủ Street Fighter 6 cũng mang về Huy chương Đồng - thành tích cao nhất từ trước tới nay cho bộ môn đối kháng cá nhân của Việt Nam.
Các câu lạc bộ chuyên nghiệp như GAM Esports, Saigon Buffalo, Team Flash, Vikings eSports... đang tạo dựng thương hiệu quốc tế.
Đặc biệt, hệ thống giải đấu Vietnam Championship Series (VCS) đã trở thành sân chơi then chốt, giúp các tuyển thủ Việt Nam thi đấu tại Mid-Season Invitational (MSI) và chung kết thế giới Liên minh huyền thoại.
Những cái tên như Levi, Slayder, Artifact... giờ đây không còn xa lạ với cộng đồng eSports quốc tế. Nhiều tuyển thủ đã xuất ngoại thi đấu tại các giải Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… cho thấy sự thừa nhận về mặt chuyên môn của cộng đồng quốc tế.
Thị trường nhiều tiềm năng
Theo VIRESA, Việt Nam có hơn 28,2 triệu người chơi eSports; trong đó, khoảng 15,7% là khán giả theo dõi giải đấu định kỳ từ các nền tảng như Facebook Gaming, YouTube, TikTok. Đây là con số ấn tượng, đưa Việt Nam lọt Top quốc gia có cộng đồng người chơi eSports lớn nhất Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến hết năm 2024, doanh thu ngành game nội địa ghi nhận 13.663 tỷ đồng (khoảng 525 triệu USD), đứng thứ 5 toàn cầu với tốc độ tăng trưởng gấp 2,5 lần thế giới và tăng 8,8% so với 2023.
Đặc biệt, doanh thu từ người dùng quốc tế dành cho các nhà phát triển game Việt Nam đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Với lực lượng người chơi trẻ, năng động và dễ tiếp cận công nghệ, eSports đang trở thành kênh giáo dục kỹ năng mềm, phát triển tư duy phản xạ, chiến thuật và làm việc nhóm - những phẩm chất ngày càng cần thiết trong xã hội hiện đại.
Trong tầm nhìn đến năm 2030, VIRESA xác định 3 trụ cột phát triển: Tổ chức hệ thống giải đấu quốc gia chuẩn quốc tế (bao gồm giải vô địch quốc gia, các vòng loại khu vực, kết nối với giải học sinh, sinh viên và các giải đấu phong trào để tạo hệ sinh thái thi đấu liên hoàn); phát triển nhân lực và hạ tầng eSports(phối hợp với FPT, các trường đại học, tổ chức nước ngoài để đào tạo huấn luyện viên, bình luận viên, trọng tài và kỹ thuật viên); tổ chức sự kiện phygital (kết hợp thi đấu thể thao điện tử với du lịch, âm nhạc, giải trí... hướng tới mô hình thể thao đa nền tảng).
VIRESA cũng đề ra mục tiêu vận động đăng cai các giải đấu quốc tế; trong đó, đề xuất tổ chức giải “Asian Invitational” hằng năm, quy tụ 8 đến 12 quốc gia châu Á tranh tài tại Việt Nam. Nếu thành công, đây sẽ là bước đệm để Việt Nam chào đón Olympic eSports tương lai.
Một điểm nhấn quan trọng là sự ủng hộ từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao Việt Nam trong việc công nhận eSports là môn thể thao có huy chương tại các kỳ đại hội.
Nhiều địa phương đã bổ sung môn eSports vào chương trình thể thao học đường và đại hội thể thao toàn quốc.
Sự đồng hành của các doanh nghiệp cũng là động lực thúc đẩy ngành. Một số tập đoàn công nghệ đã xây dựng sàn thi đấu, tổ chức giải đấu có bản quyền và tài trợ tuyển thủ tham dự thi đấu quốc tế. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng thi đấu mà còn thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam.
Hiện tại, VIRESA và các nhà phát hành đã đứng ra tổ chức môn eSports ở 2 kỳ SEA Games 31 và 32 hoàn toàn từ ngân sách xã hội hóa (khoảng 50 đến 70 tỷ đồng/kỳ).
Với số lượng người chơi vượt trội, hệ thống giải đấu chuyên nghiệp, nhân sự được đào tạo bài bản và định hướng rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc eSports tại châu Á trong thời gian tới.
VIRESA, với vai trò trung tâm, đang xây dựng một hệ sinh thái eSports mang bản sắc Việt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Trong thời đại số, đây không chỉ là xu hướng mà còn là chiến lược tốt để khẳng định vị thế của thể thao điện tử Việt Nam trên bản đồ thế giới.