Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thế giới phát huy giá trị của bảo tàng theo định hướng bền vững: Việt Nam có thể học hỏi

27/06/2023 | 09:52

Theo tạp chí Grist của Mỹ, các tổ chức, cơ quan văn hóa được yêu mến sẽ trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy và mang lại cho họ một vị thế tốt để hướng đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn và công bằng hơn.

Sau khi nới lỏng các hạn chế do đại dịch Covid-19, hầu hết các đơn vị văn hóa sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ nếu du khách sẵn sàng quay trở lại. Các bảo tàng, phòng trưng bày và các địa điểm nghệ thuật cũng đóng vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế tại nhiều thành phố trên thế giới khi mở cửa lại nền kinh tế. Trước những thực tế này, Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang ngày càng thúc đẩy nguồn tài trợ cho cơ sở hạ tầng văn hóa - nghệ thuật nhằm tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thế giới phát huy giá trị của bảo tàng theo định hướng bền vững: Việt Nam có thể học hỏi - Ảnh 1.

Bảo tàng Nghệ thuật Toledo. Ảnh: toledomuseum

Nghệ thuật có vị trí đặc biệt thông qua việc thiết kế không gian vật lý và các tác phẩm trưng bày nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục và cung cấp thông tin. Theo thống kê, khoảng 850 triệu du khách đã đến thăm một bảo tàng ở Mỹ vào năm 2019 và cho rằng bảo tàng là nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy và có ý nghĩa giáo dục văn hóa và lịch sử rất cao. Tuy nhiên, hiện tại khoảng 35.000 bảo tàng trên thế giới là những tòa nhà cũ kỹ và chưa được tu sửa phù hợp.

"Thế giới đang từng bước thoát ra khỏi đại dịch, đứng trước những thách thức lớn về môi trường và cố gắng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu", ông Sommer Hixson, Giám đốc truyền thông của Bất động sản sinh thái xanh Edens cho biết.

Ông Hixson cho rằng khách tham quan bảo tàng đang ngày càng tập trung vào tính bền vững và các nhà phát triển cũng vậy. Điều đó tạo nên cảm giác cấp bách cho viện bảo tàng, hướng tới mô hình hóa các hoạt động bền vững cho du khách nhằm ứng phó với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Các tòa nhà như Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Denver hay Bảo tàng Field ở Chicago có thể định hình một cách tinh tế về tính bền vững.

"Các bảo tàng có thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn các tòa nhà chọc trời hoặc bệnh viện. Điều đó nghe có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng nhiều trong số các bảo tàng, chẳng hạn như Viện Smithsonian rộng lớn sở hữu khuôn viên hoặc khu phức hợp kết hợp các cấu trúc hiện đại với các tòa nhà có thể có tuổi đời hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ", bà Joyce S. Lee, Chủ tịch của Liên minh Bảo tàng Mỹ cho biết.

Rất nhiều bảo tàng hướng tới mục tiêu xanh

Theo bà Lee, các bảo tàng có thể phát huy hoạt động bảo tồn theo hướng bền vững. Chẳng hạn như quá trình cải tạo Bảo tàng Australia ở Sydney trị giá 57,5 triệu đôla. Bảo tàng đã giảm 25% mức sử dụng năng lượng bằng cách nâng cấp hệ thống làm mát, thay thế gần 2.000 bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn LED và thực hiện các hoạt động khác để tăng hiệu quả và giảm rác thải. Tính bền vững cũng được phát huy trong hoạt động tái chế và tái sử dụng.

Tất cả điều này được xem là tín hiệu tốt cho thiết kế bền vững của các tòa nhà mới (hoặc tu sửa các tòa nhà hiện có) để lưu giữ các giá trị nghệ thuật và văn hóa. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại San Francisco đã hoàn thành hoạt động mở rộng trị giá 305 triệu đô la vào năm 2016, tăng gấp 3 lần không gian triển lãm trước đây, cắt giảm 15% chi phí năng lượng và 30% lượng nước sử dụng. Khoản tiết kiệm này là kết quả của quá trình vận hành năng lượng và đèn LED (với trần cong được thiết kế để tối đa hóa khả năng chiếu sáng trong khi giảm thiểu mức sử dụng điện).

Hay thành phố New York có luật riêng quy định tiêu chuẩn xây dựng xanh cho các dự án vốn do thành phố tài trợ và yêu cầu các dự án nhận tài trợ của thành phố phải tiêu thụ ít năng lượng hơn đáng kể so với các tòa nhà tương tự hiện có.

"Mọi người đều rất khó khăn để triển khai sau khi luật quy định chuẩn năng lượng được đưa ra, bởi vì chưa ai làm điều đó trước đây. Nhưng bây giờ, giống như ở châu Âu, mọi thứ đã thành tiêu chuẩn", bà Lee nói.

Một ví dụ khác là Bảo tàng Nghệ thuật Toledo ở bang Ohio. Nơi đây đã sử dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả của tòa nhà 109 tuổi. Trong 20 năm qua, bảo tàng đã giảm 79% mức tiêu thụ năng lượng. Một dãy gồm hơn 2.000 tấm pin mặt trời cung cấp tới 50% năng lượng cho tòa nhà và 6 tuabin siêu nhỏ chạy bằng khí tự nhiên — mỗi chiếc có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh — cung cấp thêm 15%. Bảo tàng cũng sử dụng đèn LED tiêu thụ ít năng lượng.

Ngày càng có nhiều nghệ sĩ thu hút sự chú ý đến mục tiêu xanh thông qua các tác phẩm nêu bật ý nghĩa của tính bền vững, chẳng hạn như các tác phẩm điêu khắc nổi của nghệ sĩ Tomás Saraceno hay tác phẩm nghệ thuật sinh thái của Agnes Denes. Vì vậy, các bảo tàng có thể làm nhiều hơn nữa để ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật nêu bật ý nghĩa về những vấn đề này.

Cách đây 50 năm, rất ít bảo tàng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến tính bền vững nhưng hiện tại, thế giới càng chú ý hơn đến vấn đề này. Điều đó cũng cho thấy tín hiệu các bảo tàng đang "đánh thức" nhiều vấn đề, bao gồm sự đa dạng, công bằng, hòa nhập và bền vững.

"Các bảo tàng cần đặt vấn đề này làm ưu tiên và đóng vai trò tích cực thông qua hoạt động, quản trị và giáo dục. Điều đó hoàn toàn không quá khó," bà Lee nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×