Thành tựu của các địa phương góp phần đa dạng vào bức tranh tươi sáng ngành VHTTDL
03/01/2024 | 11:50Góp phần vào bức tranh tươi sáng của ngành VHTTDL, các địa phương đã chủ động bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai các Nghị quyết thực hiện thành công các nhiệm vụ VHTTDL. Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với chủ đề: "Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước", các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện phát triển các nhiệm vụ văn hóa.
Giá trị văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Là một tỉnh miền núi biên giới, đa sắc màu văn hóa dân tộc, vấn đề bảo tồn văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội xây dựng mối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã và đang hướng tới.
Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, Hà Giang đã ban hành hơn 500 văn bản để cụ thể hóa các nhiệm vụ và tổ chức thực hiện.
Đến nay, tỉnh Hà Giang đã tổ chức kiểm kê nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể. Toàn tỉnh Hà Giang có 61 di tích lịch sử -văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp, trong đó có 31 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu từ năm 2010 và đến nay đã 3 kỳ liên tiếp được Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá giữ vững danh hiệu CVĐC toàn cầu. Có 31/61 di tích xếp hạng đã được trùng tu, tu bổ và tôn tạo (gồm 18 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh) với tổng kinh phí đầu từ được cấp là 203.503 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia là 31.091 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 158.003 triệu đồng, ngân sách xã hội hóa là 14.409 triệu đồng. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Về di sản văn hóa phi vật thể, toàn tỉnh đã có 30 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có 44 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phục dựng đã và đang được phát huy. Giá trị văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hà Giang.
Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc được bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang trong sắc màu dân tộc độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền, tổ chức trình diễn trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Thực hiện các kế hoạch, đề án của tỉnh 16 Làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được đầu tư theo hướng vừa bảo tồn văn hóa, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch...
Tỉnh cũng thực hiện chủ trương "Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch.
Trong thời gian tới, Hà Giang xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương. Chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; đầu tư nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút khách du lịch. Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Hội nghệ nhân dân gian, nhóm sở thích, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh, vừa bảo tồn di sản văn hóa truyền thống vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân đồng thời xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo cho du khách các chương trình du lịch đa trải nghiệm. Nâng cao chất lượng hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cấp học để giáo dục thế hệ trẻ hiểu và tôn trọng giá trị di sản văn hóa, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm trong việc phát huy di sản văn hóa, trở thành những người quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, đảm bảo cho các di sản văn hóa tồn tại bền vững.
TP Hồ Chí Minh: Công nghiệp văn hóa thúc đẩy phát triển kinh tế
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VHTT TP HCM cho biết: Sở VHTT đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa, đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Trong thời gian qua, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành những sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc làm này là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng để mất đi những "cơ hội vàng" trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo.
Ngoài ra, Nghị quyết 98 cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa và Thể thao. Hiện nay, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao có 23 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó có 20 dự án do Sở VHTT quản lý, tổng mức đầu tư tối thiểu cho các dự án là 45 tỷ đồng; 03 dự án do quận, huyện quản lý với tổng mức đầu tư tối thiểu là 10 tỷ đồng.
Trong định hướng phát triển ngành văn hóa và thể thao đến năm 2035, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những kết quả đã đạt được vào trong các giải pháp để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Để triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa và thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 như sau:
Thứ nhất là, thực hiện chỉ tiêu: "Mỗi người dân TP HCM được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản ít nhất 01 môn thể dục thể thao, 01 loại hình nghệ thuật; được miễn phí vào tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố; được miễn phí xem các chương trình nghệ thuật do các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố tổ chức nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện của Thành phố và đất nước".
Thứ hai là, Tham mưu xây dựng và hoàn thiện các thể chế phát triển ngành văn hóa và thể thao trên địa bàn Thành phố; Tập trung nghiên cứu tham mưu các chương trình, dự án khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, quan tâm đầu tư công tác phát triển nguồn nhân lực tại các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của ngành Văn hóa Thành phố.
Thứ ba là, khởi công cải tạo sửa chữa, nâng cấp 06 công trình thể thao phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc vào năm 2026; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Rạp Xiếc và Biểu diễn Đa năng Phú Thọ để đảm bảo tiến độ chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Thứ tư là, thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa để tạo nên thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng với thế giới.
Lâm Đồng: Văn hóa góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các hoạt động tổ chức bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch (như phục dựng Lễ hội Nhô Phú (Cầu mùa) tại xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng; tái hiện các loại hình văn hóa phi vật thể, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại huyện Đam Rông; tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống, hội thi thể thao dân gian đồng bào dân tộc thiểu số...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 03 điểm du lịch văn hóa tiêu biểu. Thông qua các hoạt động này đã góp phần phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho người dân tại các địa phương triển khai dự án.
Bên cạnh đó, trong năm 2023; Lâm Đồng đã được Bộ VHTTDL quan tâm, tạo điều kiện đăng cai, phối hợp tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thể thao của Bộ: (Lĩnh vực Văn hóa: Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII; Triển lãm Da cam - Lương tri và công lý - Lâm Đồng 2023; Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền về giá trị văn hóa, con người Việt Nam; các lớp tập huấn: bồi dưỡng kiến thức định hướng, chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn – 2023; bồi dưỡng kiến thức về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với viên chức hoạt động nghệ thuật tại thành phố Đà Lạt; về công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; nâng cao kỹ năng và phương pháp sáng tác tranh cổ động.
Lâm Đồng đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc tiêu biểu, mang tầm quốc gia và quốc tế, đã trở thành thương hiệu riêng Lâm Đồng.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, sự tham gia tích cực của cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân; trong năm 2023, thành phố Đà Lạt vinh dự được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc trong "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO"; Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm được UNESCO vinh danh ở hạng mục danh hiệu "Khu du lịch tiêu biểu châu Á-Thái Bình Dương"./.