Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thành phố Hồ Chí Minh: Đặt kỳ vọng cho công nghiệp văn hóa

12/03/2021 | 08:20

Phát huy những lợi thế sẵn có để phát triển toàn diện, thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp văn hóa. Giai đoạn 2020-2025, thành phố kỳ vọng công nghiệp văn hóa (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm…) sẽ đóng góp 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); giai đoạn 2025-2030 là 6%.

Thành phố Hồ Chí Minh: Đặt kỳ vọng cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Nhà Văn hóa sinh viên thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Thủ Đức) vừa được đưa vào hoạt động, tạo điều kiện đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa cho sinh viên.

Mục tiêu lớn

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg về “Phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, biến văn hóa trở thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Thực hiện chiến lược này, thành phố Hồ Chí Minh xác định, thành phố đã là trung tâm kinh tế của cả nước, nay cần phát triển công nghiệp văn hóa, vừa để tạo nền tảng xã hội, vừa khai thác thị trường và tăng cường giao lưu quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030 trên 8 lĩnh vực, gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.

Trên cơ sở hoạt động thực tiễn các lĩnh vực trên, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngành. Đơn cử: Ngành Điện ảnh đạt doanh thu khoảng 5.420 tỷ đồng vào năm 2025, đóng góp khoảng 0,37% GRDP; đạt khoảng 10.061 tỷ đồng, đóng góp khoảng 0,47% GRDP vào năm 2030; ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 987 tỷ đồng vào năm 2025, đạt khoảng 1.708 tỷ đồng vào 2030. Ngành triển lãm khoảng 6.077 tỷ đồng vào năm 2025 và khoảng 11.156 tỷ đồng vào 2030; ngành quảng cáo khoảng 33.010 tỷ đồng vào năm 2025 và khoảng 57.263 tỷ đồng vào năm 2030…

Những con số nêu trên đã được tính toán khoa học và dựa trên xu hướng phát triển của thực tiễn. Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020, thành phố có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa. Giá trị sản xuất các lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2010 đến 2019) là trên 35.000 tỷ đồng... Từ góc độ người dân, bà Nguyễn Thúy Ái, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố có thị trường dịch vụ khá lớn, đủ điều kiện và cần thiết xây dựng công nghiệp văn hóa.

Vượt qua rào cản

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng và áp dụng nhiều giải pháp thiết thực, như xây dựng nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất hiện đại…, song hiện có rất nhiều khó khăn.

Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, tổng nhân lực tham gia cho 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà thành phố ưu tiên phát triển là hơn 97.000 người. Tuy nhiên, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó Trưởng khoa sau Đại học, giảng viên Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh lưu ý: “Cần khảo sát thêm để biết nguồn nhân lực này đáp ứng yêu cầu mới được đến đâu, rồi điều chỉnh, đầu tư thêm, đáp ứng kỳ vọng”.

Về cơ sở vật chất, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 8 đơn vị nghệ thuật công lập và khoảng 700 đơn vị có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhưng cả thành phố chỉ có 11 sân khấu kịch và khoảng 20 địa điểm có thể phục vụ tốt cho biểu diễn nghệ thuật. Trong số này, có 3 nhà hát tiêu biểu, gồm: Nhà hát thành phố xây dựng từ thời Pháp thuộc với 476 ghế; Nhà hát Hòa Bình với 2.500 ghế; Nhà hát Bến Thành có 1.041 ghế.... Các nhà hát đi vào hoạt động đã lâu, sử dụng chung cho tất cả loại hình nghệ thuật. Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Trần Minh Ngọc nêu thực tế, các đoàn nghệ thuật hay nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm nơi biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, ông Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với gần 3.800 cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đào tạo gần 72.000 sinh viên hệ đại học chính quy; hơn 7.100 học viên sau đại học thuộc các lĩnh vực, đơn vị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, trong đó có công nghiệp văn hóa.

Trong khi đó, về xây dựng cơ sở vật chất, thành phố cũng đang triển khai nhiều công trình trọng điểm. Điển hình là xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng tại thành phố Thủ Đức; xây dựng rạp xiếc và nhà biểu diễn nghệ thuật đa năng Phú Thọ tại quận 11… Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả nhằm hoàn thành mục tiêu chiến lược: Phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, có thị trường mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn, trung tâm văn hóa giải trí phát triển mạnh, đứng đầu cả nước”.


Theo Báo Hà Nội mới

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×