Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thành phố Hà Giang sau 3 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch

14/06/2018 | 10:39

Xác định du lịch có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của thành phố, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã có Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay du lịch của thành phố đã có những bước phát triển hiệu quả, đúng hướng.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của BCH Đảng bộ thành phố về phát triển du lịch, UBND thành phố Hà Giang đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện. Đến nay, qua 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết, du lịch của thành phố đã có bước phát triển khá toàn diện. Hiện, trên địa bàn thành phố có 25 điểm du lịch; trong đó, có 5 Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) gồm: Thôn Tha, thôn Hạ Thành (xã Phương Độ), thôn Bản Tùy (xã Ngọc Đường), thôn Lâm Đồng, thôn Tiến Thắng (xã Phương Thiện); các điểm du lịch lịch sử gồm: Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 26.3, di chỉ khảo cổ Đồi Thông - Lò Gạch; du lịch tâm linh gồm: Đền Thác Con, đền Mẫu, chùa Hộ Quốc, chùa Quan Âm, nhà thờ Thánh tâm; du lịch sinh thái gồm: Công viên Cây xanh, núi Cấm, Mỏ Neo, hang Thẳm Lườn, suối Tiên, cảnh quan Thung lũng Hoa đào, Chum Vàng - Chum Bạc, tuyến du lịch mạo hiểm Nà Thác - Khuổi My - Lùng Vài, Khu Du lịch sinh thái Trường Xuân, Thạch Lâm Viên, Công viên nước Hà Phương... Các loại hình du lịch đều hoạt động hiệu quả, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Năm 2017, lượng khách đến du lịch trên địa bàn thành phố đạt gần 300.000 lượt người, tăng 164.869 lượt khách so với năm 2015; doanh thu đạt 201,81 tỷ đồng, tăng 123,4 tỷ đồng so với năm 2015.

Sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của BCH Đảng bộ thành phố,
du lịch thành phố Hà Giang đã có những bước phát triển hiệu quả.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoạt động hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch được thành phố chú trọng đầu tư đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện, trên địa bàn thành phố có 88 khách sạn, nhà nghỉ (tăng 22 cơ sở so với năm 2015, tăng 9 cơ sở so với năm 2016); 6 công ty lữ hành, trong đó có 2 công ty lữ hành quốc tế, 4 công ty lữ hành kinh doanh nội địa và 3 văn phòng đại diện của các công ty du lịch trong nước. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch tiếp tục phát triển với 625 cơ sở ăn uống; trong đo, có 77 nhà hàng đạt tiêu chuẩn; 26 cửa hàng tiện ích và siêu thị gia đình, 13 cơ sở karaoke; 8 cơ sở massage, tắm lá thuốc; 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe...

Nhằm phát triển du lịch gắn với quảng bá về văn hóa các dân tộc trên địa bàn, thành phố đã chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Làng VHDLCĐ. Hiện 5 Làng VHDLCĐ trên địa bàn thành phố đã có 2 làng đạt tiêu chí xây dựng Làng Văn hóa tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới theo tuyên bố PanHous đối với Làng VHDLCĐ thôn Hạ Thành, xã Phương Độ và Làng VHDLCĐ thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch, mức sống của các hộ dân tại các Làng VHDLCĐ được nâng lên, thu nhập bình quân 65 triệu đồng/hộ/năm, góp phần vào việc chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang lao động trong lĩnh vực dịch vụ. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, các hộ kinh doanh dịch vụ có tính liên kết, san sẻ lợi ích trong hoạt động kinh doanh và tích cực tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng Làng VHDLCĐ gắn với xây dựng Nông thôn mới; đã thu hút được các công ty lữ hành, công ty dịch vụ du lịch đầu tư vào các Làng VHDLCĐ; bước đầu đã có tính liên kết trong kết nối tour, tuyến giữa thành phố với các làng VHDLCĐ các huyện khác trong tỉnh...

Có thể thấy, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch, du lịch của thành phố đã có những bước phát triển rõ nét. Tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố; chưa thu hút được các nhà đầu tư tại các khu, điểm du lịch; ngân sách đầu tư phát triển du lịch còn ít; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn để níu chân du khách lưu lại dài ngày; nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp; hạ tầng phục vụ du lịch chưa hoàn chỉnh, một số nhà nghỉ, khách sạn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa...

“Với mục tiêu xây dựng thành phố Hà Giang phát triển trở thành thành phố dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, có môi trường sống hấp dẫn; đến năm 2020, du lịch thành phố Hà Giang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giải pháp của thành phố Hà Giang thời gian tới là tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển du lịch; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện các đề án, chương trình của tỉnh về quy hoạch và phát triển du lịch; khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các Làng VHDLCĐ và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Rà soát, điều chỉnh theo hướng tập trung nguồn nhân lực đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng du lịch các khu trọng điểm; hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch vùng, sản phẩm đặc trưng; liên kết khai thác giá trị văn hóa, sinh thái và những tài nguyên du lịch nổi bật của địa phương. Quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển đổi lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang phục vụ dịch vụ, du lịch; có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của thành phố” - đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang cho biết.

Theo baohagiang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×