Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Trưng bày, khai thác hiệu quả các hiện vật, tư liệu lịch sử

22/05/2023 | 08:36

Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, xứ Thanh không chỉ có nguồn tài nguyên di sản văn hóa đa dạng, phong phú, mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử quý báu của ông cha để lại. Bởi vậy, trách nhiệm đặt ra cho hậu thế là phải gìn giữ, bảo tồn và nâng cao hiệu quả khai thác, trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử.

Thanh Hóa: Trưng bày, khai thác hiệu quả các hiện vật, tư liệu lịch sử - Ảnh 1.

Nhà trưng bày tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) thu hút đông du khách đến tham quan.

Theo chia sẻ của ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc): Để việc khai thác, trưng bày các hiện vật tại Thành Nhà Hồ đạt hiệu quả cao, từ năm 2012, trung tâm đã xây dựng nhà trưng bày với diện tích 200m2. Tại đây, đang trưng bày 600 hiện vật tiêu biểu được khai quật qua các đợt tại khu vực Thành Nhà Hồ và Đàn tế Nam Giao Tây Đô và sưu tầm trong Nhân dân ở các xã lân cận. Trong đó nổi bật là các hiện vật với các chất liệu: đất nung, đá, đồng, đầu chim phượng, gạch bìa có in chữ, khắc chữ Hán - Nôm ghi tên các địa phương sản xuất gạch xây thành, đá vận chuyển xây thành... Đây không chỉ là những hiện vật quý giá nhằm cung cấp những tư liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu về Thành Nhà Hồ, mà còn giúp khách tham quan hiểu biết và có một cái nhìn toàn diện hơn về di sản thế giới độc đáo này.

Ngoài ra, để đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách, những năm trở lại đây Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Trưng bày “Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô” - với mục đích trưng bày và giới thiệu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ nhằm giúp mọi người trân trọng, thấu hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân. “Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”, giúp du khách có cái nhìn sâu hơn về những nét đặc sắc của di sản mà cha ông đã để lại cho quê hương Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trưng bày “Súng thần công và những cải cách của Vương triều Hồ”, với các chính sách cải cách của Hồ Quý Ly rất toàn diện, táo bạo trên khắp các lĩnh vực chính trị, hành chính, quốc phòng, tài chính, tư tưởng, văn hóa xã hội, giáo dục, trong đó, cải cách về tư tưởng, văn hóa, giáo dục được coi là tiến bộ nhất. Và “Trưng bày đá xây thành tại khuôn viên cổng Nam”... Cùng với đó, công tác quản lý, bảo quản hiện vật được trung tâm quan tâm thực hiện. Hàng năm, phòng chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm luôn thực hiện công tác lập hồ sơ, lý lịch khoa học hiện vật; chỉnh lý, vệ sinh và sắp xếp lại hiện vật. Những hiện vật còn nguyên dáng và tiêu biểu được trưng bày tại nhà trưng bày hiện vật để phục vụ khách tham quan tìm hiểu về di sản.

Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay hệ thống kho cơ sở đang lưu giữ, bảo quản hơn 30.000 hiện vật trong đó có nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao như: Sưu tập hiện vật thời Tiền - Sơ sử, sưu tập Thạp đồng Đông Sơn, sưu tập vũ khí Đông Sơn, sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập Thạp hoa nâu. Đặc sắc và tiêu biểu nhất là sưu tập trống đồng với số lượng lớn nhất trong cả nước.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, lưu giữ và phát huy giá trị hiện vật, bảo tàng đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm kê, quản lý hiện vật, như sử dụng phần mềm quản lý hiện vật do Cục Di sản Văn hóa cung cấp và đã nhập được 10.882 hồ sơ; sử dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý bảo tàng cũng do Cục Di sản Văn hóa cung cấp với những ưu điểm như: nội dung cập nhật chi tiết, đầy đủ thông tin về bảo tàng, về nhân sự, thông tin chuyên ngành (thông tin hiện vật, các phòng trưng bày, các cuộc trưng bày, nguồn kinh phí...).

Để thu hút khách tham quan, trong những năm gần đây, bảo tàng đã từng bước đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá, xây dựng, vận hành website bảo tàng (baotang.thanhhoa.gov.vn); tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; xây dựng chương trình phối hợp với các trường học; xuất bản các ấn phẩm về hiện vật bảo tàng như: “Trống đồng Thanh Hóa”, “Văn vật xứ Thanh”, “Sưu tập Cổ vật tiêu biểu Văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa”; “Cổ vật Bảo tàng Thanh Hóa”, “Sắc phong lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa”... Các hoạt động này góp phần quảng bá hình ảnh, hoạt động và giúp công chúng biết, hiểu nhiều hơn về hoạt động của bảo tàng...

Có thể thấy rằng, với sự đổi mới đa dạng, linh hoạt trong công tác khai thác, trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ các tài sản quý giá mà cha ông để lại; đồng thời, hình hành các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, do số lượng hiện vật khai quật được của các đơn vị, địa phương ngày càng tăng lên, trong khi đó kho bảo quản và lưu trữ thì diện tích còn hạn chế nên cũng gây khó khăn trong công tác bảo quản, phân loại hiện vật. Ngoài ra, cũng không tránh khỏi việc nhiều địa phương sở hữu những tư liệu, hiện vật rất quý, đầy tiềm năng để khai thác phát huy, nhưng do vẫn trung thành với cách làm cũ, tư duy theo lối mòn, không năng động đổi mới, nên không khai thác được giá trị. Hoặc một số nơi sở hữu những cổ vật, bảo vật quý giá, nhưng do lo lắng mất mát, hư hại đã chủ yếu thiên về bảo vệ, cất giữ, cách ly với đời sống xã hội dẫn đến tình trạng các tư liệu, hiện vật không phát huy được giá trị. Bởi vậy, để các hiện vật, tư liệu lịch sử thật sự sống trong cộng đồng, đòi hỏi hơn nữa những giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành, đơn vị, địa phương.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×