Thanh Hóa: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong thời điểm dịch bệnh
10/09/2021 | 09:08Trong những năm qua, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27-CT/TW được các cấp, ngành, đoàn thể và địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động hiếu, hỉ được tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tập trung đông người.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, vùng, miền, dân tộc. Đối với việc cưới, nam nữ tự nguyện kết hôn và đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục hành chính. Phần lớn các đám cưới đã bỏ được các hủ tục rườm rà như thách cưới, dạm ngõ, cơi trầu lớn... Việc tuân thủ các quy định về nếp sống văn hóa và quy ước, hương ước thôn, khu phố trong việc cưới ngày càng được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc.
Đối với việc tang, ban tổ chức tang lễ tại địa phương đã phối hợp chặt chẽ với tang chủ và giúp đỡ tang chủ tổ chức chu đáo việc tang trên tinh thần trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã làm tốt việc xóa bỏ các hủ tục, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang như rải vàng mã, tiền Việt Nam, lăn đường; các thủ tục rườm rà trong cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày... đã được giảm bớt; nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức hỏa táng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường... Các lễ hội thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương. Phần hội được tổ chức lành mạnh, kết hợp trình diễn văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan, bói toán.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình có việc cưới, việc tang không tổ chức mời ăn, hạn chế tập trung đông người, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Một số lễ hội diễn ra vào thời điểm dịch bệnh đã được các địa phương dừng tổ chức. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch cho Nhân dân và du khách khi đến dâng hương, vãn cảnh tại các điểm di tích.
Tại TP Sầm Sơn, ngay từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại một số địa phương trong cả nước, thành phố đã có hướng dẫn cụ thể đối với việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, kể từ ngày 10-5-2021, thành phố đã tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và các sự kiện tập trung đông người để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đối với việc cưới, việc tang, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Bà Đàm Thị Thái, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Sầm Sơn, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố có 541 đám tang và 729 đám cưới. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc cưới trong thời điểm này được người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức lễ cưới, cắt giảm tối đa các bước thủ tục, thời gian tổ chức lễ cưới. Đối với việc tang, đa số các đám tang được người dân rút ngắn thời gian tổ chức và thực hiện các hình thức lễ tang một cách gọn nhẹ; có thông báo phù hợp với người thân, bạn bè về hình thức đón tiếp khách đến phúng viếng, tham dự lễ tang để tránh tập trung đông người. Đồng thời có biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế cho cả người thân và khách đến dự.
Còn đối với huyện miền núi Thường Xuân, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện Thường Xuân đã ban hành Văn bản số 1571/UBND-VHTT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 trong việc cưới, việc tang. Theo đó, các đám cưới nhìn chung đều được tổ chức trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, đảm bảo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Các gia đình tổ chức lễ cưới trang trọng, ngắn gọn, vui tươi, tiết kiệm, phù hợp phong tục, tập quán, hương ước khu dân cư, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Về việc tang, đa số các đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh, những biểu hiện mê tín, dị đoan, hủ tục được hạn chế; việc cử hành tang lễ được tiến hành nghiêm trang, tổ chức phúng viếng ngắn gọn, đảm bảo trang trọng, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, là huyện miền núi, dân tộc thiểu số chiếm phần nhiều, trình độ dân trí còn hạn chế, một số tập quán đã hình thành, tồn tại lâu đời và ăn sâu vào trong tiềm thức của một bộ phận người dân. Tâm lý đua đòi, phô trương, hình thức dẫn tới việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội linh đình, lãng phí còn diễn ra. Nhận thức của một bộ phận người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong thời điểm dịch bệnh có lúc, có nơi còn hạn chế...
Để Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị tiếp tục được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cần được các cấp, ban, ngành, đoàn thể và địa phương chú trọng. Đồng thời tiếp tục lấy tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong xây dựng hương ước, quy ước và bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Phát động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện và vận động Nhân dân cùng thực hiện các quy định về xây dựng nếp sống văn hóa.