Thanh Hóa: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch
22/02/2022 | 09:12Một trong những nỗ lực của ngành du lịch trong thời điểm phục hồi được ghi nhận là việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp dịch vụ và quản lý nhà nước. Phát huy lợi ích của công nghệ số, tỉnh Thanh Hóa đã và đang cùng với các địa phương trong cả nước tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh có sự gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Đứng trước bối cảnh phát triển du lịch trong tình hình mới, không chỉ Thanh Hóa mà tất cả các địa phương trong cả nước đều tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng việc cung cấp trải nghiệm an toàn, linh hoạt, thuận tiện cho du khách. Đến nay, sau một thời gian hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19, một số hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã có sự dịch chuyển từ mô hình kinh doanh du lịch truyền thống sang mô hình kinh doanh du lịch hiện đại theo chuỗi mô hình ứng dụng công nghệ số.
Theo ông Lê Đức Sinh, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa: Khác với mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch truyền thống, hoạt động kinh doanh ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai sẽ dành sự tập trung nhiều hơn việc cung cấp dịch vụ thông qua các ứng dụng công nghệ số. Với nền tảng sẵn có, hiện nay, nhiều doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng tham gia “sân chơi” lớn. Trong thời gian qua, Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa đã thực hiện một số ứng dụng cung cấp dịch vụ online và thanh toán trực tuyến. Về nguồn nhân lực đã được đào tạo bài bản do đó không có nhiều khó khăn để bắt nhịp trong tình hình mới. Thậm chí, khi ngành du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số còn mang đến cho doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội cạnh tranh lành mạnh và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số ở các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch được thuận lợi, việc xây dựng nền tảng ban đầu rất quan trọng, cần sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực từ phía tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 thì chuyển đổi số ngày càng trở thành xu thế tất yếu. Đây cũng được xem là “cú hích” để toàn ngành du lịch thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số. Hướng tới trở thành một trong những trọng điểm du lịch cả nước, bắt kịp xu thế phát triển hoạt động du lịch thông minh, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di dộng cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm. Trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực: Cảng Hàng không Thọ Xuân, Ga Thanh Hóa, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm...
Sẵn sàng cho bước “chạy đà”, hiện tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu về lưu trú, lữ hành, điểm đến. Đồng thời chú trọng số hóa trong hoạt động quảng bá sản phẩm, giao dịch, quản lý du lịch, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ du khách, doanh nghiệp lữ hành tìm kiếm những điểm đến an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ an toàn và cập nhật thông tin, hoạt động du lịch Thanh Hóa.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Thị Hải Yến cho biết: Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được số lượng khách hàng nhiều hơn, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch cũng được tăng cường, thắt chặt hơn. Trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch với sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch. Khẩn trương hoàn thiện dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông tin trên thiết bị di động; cập nhật số hóa dữ liệu du lịch Thanh Hóa. Trên cơ sở đó sẽ đẩy nhanh tiến độ số hóa hệ thống khu, điểm du lịch, tài nguyên du lịch... Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa sẽ đăng ký điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nắm bắt thông tin, tình hình điểm đến; khuyến khích doanh nghiệp chào bán dịch vụ online và thanh toán trực tuyến.
Rõ ràng, ứng dụng công nghệ số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đưa du lịch Thanh Hóa phát triển bền vững hơn trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại Thanh Hóa được đánh giá vẫn còn nhiều rào cản do nền tảng số hóa còn yếu, mức độ số hóa thấp, thiếu dịch vụ du lịch trực tuyến; chất lượng nguồn nhân lực; quy mô doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ... Trong khi đó, chuyển đổi số đã và đang đặt ra yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp và quy trình kinh doanh, đây là sự thay đổi mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thực hiện. Vì thế, trước đòi hỏi bức thiết của ngành “công nghiệp không khói”, Thanh Hóa cần huy động được sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch xứ Thanh trong tình hình mới.